Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận là việc thu thuế với các cơ quan báo chí hiện nay.
Tính thuế như doanh nghiệp làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí
Góp ý về mức thuế thu nhập đối với cơ quan báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, hiện nay phần lớn cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục thay vì mục tiêu kinh doanh.
"Việc áp dụng mức thuế thu nhập phổ thông 20% cho các khoản thu nhập ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của họ", ông Bình nói.
Ngoài ra, theo đại biểu, các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng báo chí chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự, dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Đại biểu đoàn Trà Vinh nêu thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số như Google, Facebook… nguồn thu của báo chí ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong duy trì hoạt động.
Các khoản thu nhập không ổn định, như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế doanh nghiệp mà không tính đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.
Cùng với đó, hiện luật thuế chưa có quy định riêng đối với cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội.
Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ quy định khác như về khu vực địa lý, hoặc lĩnh vực khuyến khích nhưng điều này không nhất quán và thiếu minh bạch. Từ đó, đại biểu Phước Bình đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc nếu được, có thể thấp hơn đối với phần thu nhập chịu thuế từ hoạt động ngoài hoạt động chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.
Cùng với đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo điều kiện hỗ trợ cho họ thực hiện nhiệm vụ chính trị và truyền thông.
Đề xuất tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp.
Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho cơ quan báo chí địa phương, nhất là vùng sâu, xa, nơi có điều kiện khó khăn, khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp; xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và quyết toán thuế, giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí.
Đại biểu cũng đề xuất hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp khác như: Thành lập quỹ hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn xã hội hóa để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí.
"Xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số như Google, Facebook… và sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cơ quan báo chí trong nước", ông Bình nói.
Cần ủng cố tiềm lực cho các cơ quan báo chí
Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nói rằng, hiện nay báo chí hoạt động chính trị xã hội, vai trò định hướng dư luận xã hội rất quan trọng, việc tác nghiệp của các cơ quan báo chí đang rất khó khăn, đời sống thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều. Đi khảo sát thấy rất rõ thu nhập giảm, đời sống anh em đang gặp nhiều khó khăn.
"Thu nhập giảm, nhiệm vụ nhiều hơn, trong khi áp lực cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội. Báo chí phải đầu tư công sức nhiều hơn rất nhiều. Đặc thù của hoạt động báo chí là lao động đêm, hôm sớm tối, nhất là phụ nữ, chỉ giảm thu một chút là ảnh hưởng tới tinh thần, nỗ lực của anh chị em. Nhiều anh chị em yêu nghề, say xưa với nghề nghiệp nhưng phải lo cho gia đình, con cái học hành", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, việc giảm thuế lần này là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ cơ quan báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hiện nay dự thảo Luật giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các loại hình báo chí từ 20% còn 15%, riêng báo in 10% là sự quan tâm nhưng cần chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Vì phát hành báo in đang rất ít, bởi chủ yếu hiện nay đọc báo điện tử, xem truyền hình và YouTube.
Hiện các cơ quan báo chí là đa nền tảng, đa phương tiện, báo in lại đi kèm với báo điện tử. Báo chí đi đầu trong chuyển đổi số thì việc đầu tư, đào tạo, hỗ trợ phóng viên làm nghề rất là tốn kém chứ không chỉ riêng gì in ấn hay phát sóng. Do đó nguồn thu chính là nguồn để hỗ trợ cho các hoạt động này.
Theo ông Nghĩa, việc giảm thuế xuống còn 10% với tất cả loại hình cơ quan báo chí là sự động viên mạnh mẽ. Ngân sách Nhà nước giảm thêm 5% thì ngân sách nhà nước không mất đi bao nhiêu, trong khi sự động viên là rất quan trọng.
Khi giảm thuế sẽ tăng được giá trị thông tin, định hướng thông tin sẽ có tác dụng rất nhiều, việc chống lại các thông tin xấu độc một cách hiệu quả, có sự bình thản, bình tâm, có giá trị chất lượng rất xứng tầm với vị thế của đất nước. Như vậy tăng niềm tin, tăng giá trị văn hoá để báo chí yêu nghề, tự tin, tự hào về nghề nghiệp của mình trong bối cảnh áp lực về nghề nghiệp rất lớn trước sự chống phá.
"Chúng ta phải củng cố trận địa này, củng cố từ chính những người làm báo, củng cố tiềm lực cho các cơ quan báo chí. Dự thảo Luật lần này chính là sự mong đợi vì không dễ gì sửa đổi Luật, cho nên anh em báo chí rất trông đợi", ông Nghĩa cho biết.
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay báo chí tập trung cho nhiệm vụ chính trị là chính, số làm thêm rất nhỏ.
"Tôi ở góc độ doanh nghiệp thấy cần miễn thuế cho báo chí. Ngay cả truyền hình cứ đang xem phim cứ đến chỗ hay nhất là quảng cáo, nhưng tôi chia sẻ, vì nếu không làm thế thì doanh thu không đạt, doanh nghiệp lại đưa sang nền tảng khác quảng cáo hay hơn. Đa số không có doanh thu, không nộp thuế được đâu", ông Thân bày tỏ.
Trong khi theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ vẫn thực hiện vai trò, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, dịch vụ phục vụ nhân dân.
"Qua tìm hiểu, kể cả Đài Truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo, lĩnh vực y tế, anh em trao đổi là nhiệm vụ chính trị vẫn đảm đương xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối pháp luật, dịch vụ phục vụ nhân dân, nhưng phải tự chủ 100%.
Tự chủ là việc phải làm nhưng để các đơn vị này thêm nguồn lực, đảm đương tốt các vai phục vụ Nhân dân trong nhiều lĩnh vực, tôi đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cho đơn vị sự nghiệp công lập, xem như là sự đầu tư trở lại của ngân sách Nhà nước. Để cho các đơn vị này có nguồn lực đầu tư, mở rộng, đặc biệt là về công nghệ", ông Dương Khắc Mai nêu ý kiến.