Doanh nghiệp vận tải lao đao
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua khảo sát và báo cáo từ một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải, ở điều kiện kinh doanh có lãi, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45% (tuỳ loại hình vận tải).
Hiện giá dầu diesel đã tăng 65%, nhưng giá cước vận tải vẫn không tăng trong khi giá nhiên liệu chiếm khoảng 50-60% giá thành. Điều này khiến các DN càng hoạt động càng lỗ nếu không tăng giá cước vận tải. Theo thống kê, còn một phần lớn các DN vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng giá cước vận tải.
Cụ thể, tại Tp.HCM, từ đầu năm 2022 đến ngày 25/6/2022, có 27/53 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3% đến 46,34% tùy theo tuyến đường hoạt động (một vài tuyến kê khai tăng giá cao chủ yếu do thời gian dài không điều chỉnh giá). Riêng trong tháng 6/2022, có 7 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3-21%.
Một số đơn vị chưa kê khai tăng giá cước do cạnh tranh giữa các đơn vị cùng khai thác trên tuyến, cạnh tranh giữa các loại hình vận tải và do lượng hành khách đi lại chưa nhiều sau thời gian dịch Covid-19. Ngoài ra, có 2 đơn vị taxi là Mai Linh và Vinasun kê khai tăng giá từ 3-9%, giá cước Grab cũng tăng khoảng 20%.
Tại Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, có 4/9 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có điều chỉnh tăng giá trên các tuyến, mức tăng giá cước từ 10 – 23,08%.
Tại Đà Nẵng, có 10/17 doanh nghiệp xe tuyến cố định liên tỉnh điều chỉnh tăng giá vé/chuyến từ 8,3% đến 13,6% tùy cự ly tuyến. Đối với xe taxi, có 3/6 doanh nghiệp điều chỉnh giá cước/km tăng từ 4,28-4,76%.
Tại Hải Phòng, đến nay cũng chỉ có 15/70 doanh nghiệp vận tải (bao gồm tuyến cố định và taxi) kê khai tăng giá cước, mức tăng giá dao động từ 15-20%.
Tại Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Sở GTVT Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên toàn thành phố chỉ có 2 loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là đề nghị kê khai tăng giá cước. Bao gồm: 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với mức tăng giá dao động từ 10-20% và 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với mức giá tăng dao động từ 5-12%.
Với vận tải hàng hóa, khảo sát một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá và hiệp hội vận tải hàng hoá, với việc giá xăng dầu lập đỉnh mới, giá cước vận tải hàng hoá tăng khoảng từ 10-20% tuỳ theo cung đường và loại hàng hoá để bù đắp giá nhiên liệu tăng.
Qua khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy, hiện nay doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.
Hỗ trợ “trúng” và “đúng”
Để thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập DN. Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.
Dưới góc độ DN vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho rằng việc giảm thuế hỗ trợ các DN rất tốt vì các DN đang trong quá trình hồi phục kinh doanh. Hiện lượng khách vẫn chưa trở lại bình thường so với thời điểm trước dịch Covid-19, cùng đó nguồn nhân lực (lái phụ xe) đang rất khan hiếm. Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng phải phụ thuộc vào mức giảm, mức hỗ trợ như thế nào mới là điều quan trọng.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc điều hành Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, cho hay, trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua các DN đang rất khó khăn, cùng đó thời hạn DN cơ cấu nợ ngân hàng cũng hết, giai đoạn chậm nộp thuế cũng hết… Về mặt nguyên tắc luôn phải đảm bảo tỉ lệ tương ứng như vậy sau 2 năm nữa mới phục hồi được. Dòng tiền là huyết mạch của DN, nếu không được cơ cấu nợ thì sẽ tiếp tục khó khăn.
Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thuế cho DN vận tải là điều rất tốt, nhưng cần trọng tâm, đi thẳng vào những vấn đề DN đang khó khăn.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông vận tải để có thể tháo gỡ một phần việc tăng chi phí vận tải do giá xăng dầu tăng cao.
Cụ thể, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Lĩnh vực hàng hải, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.
Lĩnh vực hàng không, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng, cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.
Kéo dài thời gian giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt…
Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, Công Thương, TTXVN)