Đổi giờ làm để xây dựng tác phong công nghiệp?
Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định cho rằng, trên thế giới cũng như châu Á hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h. Thời gian nghỉ trưa là một tiếng được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài đã học, làm việc lúc 8h30 hoặc 9h.
Ông viện dẫn 1 khảo sát ý kiến của hơn 23.000 độc giả của một tờ báo trong nước về thời gian bắt đầu giờ làm việc, trong đó có 14% chọn 7h30, 33% chọn 8h và 53% chọn 8h30. Điều này cho thấy có nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm.
Từ đó ông đề xuất: “Chúng ta cần tiếp tục xem xét. Chúng ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch là không phù hợp”.
“Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.
Khoa học đã chỉ ra 7h tới 9h sáng là thời gian ruột non hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất. Đây cũng là thời gian để não hoạt động thiên về cảm xúc, nên ăn sáng vào thời gian này là phù hợp về tâm sinh lý và cũng nên là bữa ăn chính của gia đình”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Cũng theo đại biểu này, thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với đi làm muộn. Điều này cũng phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển nền kinh tế ban đêm, đóng góp hơn 5% GDP ở nhiều nước. Đồng bộ giờ làm việc cũng giúp liên thông công việc giữa cơ quan hành chính Trung ương về hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có đủ thời gian lên cấp tỉnh giải quyết công việc trong một ngày, công chức, người dân có đủ thời gian sống, đi làm, sống xa trung tâm, giảm mật độ tập trung dân cư trong đô thị.
Kết thúc phần phát biểu của mình, đại biểu Cảnh đề nghị: “Đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết giao thông ở các đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả vừa làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, giúp cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.
Vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa một tiếng và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học, đồng bộ với đổi giờ làm”.
Clip đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất đổi giờ bắt đầu làm việc:
Mỗi địa phương có một đặc thù
Bàn về đề xuất này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết hiện quy định về giờ làm ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, còn ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định. Địa phương có thể điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
“Chúng ta hay đi các nước để học hỏi kinh nghiệm, nhưng chỉ nên học hỏi những cái gì phù hợp, không phải nước ngoài họ làm thế nào là mình làm như thế”, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự không hài lòng khi đại biểu Cảnh lấy ví dụ từ nước ngoài trong đề xuất này.
Đi vào cụ thể, ông Lợi cho rằng các nước nghỉ trưa ngắn và họ cho rằng như vậy là tiết kiệm. Nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay, việc thay đổi không dễ bởi lâu nay người lao động đã quen với việc nghỉ trưa kéo dài 1-1,5 tiếng.
“Không nên khắt khe và phải quy định cứng trong luật việc thay đổi giờ làm, giờ học. Luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ, còn việc giờ làm cụ thể thế nào thì linh hoạt địa phương theo điều kiện từng nơi họ sẽ quy định”, ông Lợi nhấn mạnh.
Khi phóng viên hỏi rằng đề xuất này liệu có khả thi hay không, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhắc đến câu chuyện của Hà Nội trước đây đã từng đề xuất. Và ông cho rằng "nếu phù hợp thì họ đã triển khai".
Theo ông Lợi, việc áp dụng giờ làm, giờ học thế nào nên để người đứng đầu địa phương quyết làm sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo ra năng suất lao động tốt nhất, điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng, giờ làm phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Với miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn.
“Nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định, chứ không nhất thiết thống nhất giờ làm trong cả nước”, ông Cường nói.
Khi được hỏi về giờ làm áp dụng ở Quảng Nam ông Cường khẳng định là “rất phù hợp”. Buổi sáng, cán bộ, công chức làm việc từ 7h đến 11h, buổi chiều bắt đầu làm việc từ 1h30 đến 5h.
“Tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh Quảng Nam áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu thì quyết định giờ làm việc”, Bí thư Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng thay đổi giờ làm việc lúc 8h30 hoặc 9h có thể góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, ông Cường nêu quan điểm, phải có đề tài khoa học để đánh giá điều này.
“Năng suất lao động tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cho nên cần phải có đề tài khoa học để đánh giá, chứ không thể nói đổi giờ làm thì chất lượng lao động sẽ tăng lên”, Bí thư tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ, giờ làm của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông, chứ cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được.
Giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía Bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7h30 đã làm, tùy thuộc đặc điểm vùng miền. Thống nhất chung cả nước thì rất khó nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù.
Tăng giảm gì cũng theo Luật lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm.
Công Luân - Hoa Liên