Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, dự kiến các mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình sẽ được Bộ Công an đề xuất sửa đổi so với quy định Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(i) Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
(ii) Hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
(iii) Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
(iv) Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
(v) Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ.
(vi) Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại (ii), trừ trường hợp tài sản không thể khôi phục được tình trạng ban đầu;
Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tài sản có được do chiếm giữ trái phép đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp đối với hành vi vi phạm quy định tại (i), (v) và (vi).
Hiện hành, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các hành vi bạo lực về kinh tế sau đây sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
T.M