Tuyên bố "sốc" của VAFI
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.
Theo VAFI, điều này không có gì phi lý khi mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi).
Trong khối ASEAN, hiện có Thái Lan, Philipines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn với đồng nội tệ ở mức 0%/năm, lãi suất tiền gửi dài hạn khoảng 0,2-0,7%/năm.
Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở.
Vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều chuyên gia tài chính, VAFI mới đây có tuyên bố "sốc" phản bác lại.
Phía VAFI nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ, song song với đó, cần ban hành Luật thuế tài sản để "khóa" kênh đầu cơ đất.
Theo VAFI, hạn chế dòng tiền chảy vào đầu tư bất động sản là điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất huy động và cho vay.
VAFI khẳng định, đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu và hiệp hội này tin tưởng rằng sẽ "thành công vang dội".
Đồng thời nhấn mạnh: VAFI không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường tài chính, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để khuyến nghị các cơ quan chính phủ ban hành chính sách.
Đề suất tưởng tượng?
Đây là điều mà TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên đại học Bristol (Anh) lên tiếng: "Đây là một đề xuất tưởng tượng trong phòng máy lạnh, không có sự tham khảo thực tế về đầu tư cụ thể ở nước ngoài cũng như những nghiên cứu tài chính hành vi mới, thiếu hiểu biết về chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư hưu trí".
"Việc chỉ nhìn vào con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là vô cùng thiếu sót. Hoặc đây là một đề xuất do thiếu hiểu biết, hoặc là do cố tình lập lờ để trục lợi chính sách", ông Tuấn nhận xét.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho biết: "Đây là một đề xuất mang tính kỳ khôi, không có cơ sở và thiếu khoa học".
Tiến sĩ Hiển cho hay, VAFI đang đánh đồng lãi suất của Ngân hàng Trung ương với Ngân hàng thương mại.
Trên thế giới không có Ngân hàng thương mại nào có lãi suất 0%. Sự đánh đồng này là hoàn toàn sai khi 2 hệ thống có chức năng hoàn toàn khác nhau.
Thực tế mà nói, không giống với nước ngoài, nhiều người dân Việt có thói quen gửi tiền tiết kiệm và ăn "lãi", họ coi đó là 1 kênh đầu tư.
Nếu lãi suất tiền gửi là 0%, lãi suất vay sẽ giảm đáng kể, dòng vốn sẽ tự động chảy vào các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ (nếu bất động sản bị kiểm soát), vô hình trung "dìm" tiền nội địa xuống. Vậy ngân hàng sẽ huy động vốn ở đâu?
Hơn nữa, chính sách lãi suất tiết kiệm 0% sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao (4%). Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, điều này sẽ gây rúng động hệ thống tài chính, đưa đến khủng hoảng cho các ngân hàng, đặc biệt là về thanh khoản.
Việc hạ lãi suất tiền gửi về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, mọi chính sách tài chính mới cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Diệu Minh (Café F/ VietnamBiz/Dân Trí)