Đề xuất xây dựng cáp treo bắc ngang sông Hồng cũng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm nhiều chiều của dư luận.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Hải (phường Bồ Đề, Long Biên) chia sẻ: “Tôi theo dõi trên mạng internet và có biết đến dự án xây dựng cáp treo này thì theo tôi thấy nó khá là thú vị, phải đợi đến lúc đưa vào vận hành mới có thể biết được thế nào”.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, chị Trần Thị Minh (quận Hoàng Mai) cho biết: "Được di chuyển bằng cáp treo ngay tại trung tâm Hà Nội, mới nghe thôi đã thấy lạ rồi. Nếu tuyến cáp treo này được đưa vào hoạt động thì tôi cũng muốn thử một lần cho biết Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thế nào”.
Trái ngược với những quan điểm trên, bác Minh (quận Long Biên) nói: “Việc triển khai xây dựng cáp treo để giảm tải ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ rất tốn kém và chắc gì đã giảm được ùn tắc khi mà lưu lượng người tham gia giao thông quá lớn, đường sá, ý thức người dân còn chưa cao?”.
Để rộng đường dư luận, sáng ngày 28/6 trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Theo tôi nghĩ thì đây là một đề xuất không hợp lý, cáp treo chỉ nên xây dựng ở những nơi có cảnh đẹp hay những địa điểm du lịch. Nếu xây dựng ở Hà Nội thì lưu lượng chở khách của cáp treo rất là nhỏ mà người tham gia giao thông lại quá đông, sợ rằng cáp treo sẽ bị quá tải”.
“Nếu đưa vào hoạt động với tần suất liên tục 365 ngày trong một năm thì chi phí bảo dưỡng sẽ là rất lớn, gây tốn kém không cần thiết. Chưa kể đến việc xây dựng cáp treo sẽ gây ùn tắc ở hai đầu bến là trạm trung chuyển Long Biên và bến xe Gia Lâm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, việc xây dựng tuyến cáp treo này sẽ gây lãng phí và chưa chắc đã giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu, đơn vị đề xuất xây dựng tuyến cáp treo này là tập đoàn Poma (một công ty chuyên về cáp treo của Pháp). Giải thích về lợi ích của tuyến cáp treo này, đại diện của Poma cho hay nhằm phục vụ vận tải công cộng cũng như giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, tuyến cáp treo được vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua dây cáp. Những dây cáp này được nối dài qua các trụ đỡ cao từ 50 đến hơn 100m.
Với sức chứa từ 25 - 30 khách trên mỗi cabin, mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.
Lộ trình vận hành của tuyến cáp treo do tập đoàn Poma đề xuất thi công có chiều dài trên 5km, trong đó có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng, khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.
Theo dự kiến, nếu dự án được các cơ quan chức năng đồng ý và cho tiến hành thì tuyến cáp treo này sẽ mất khoảng 12 đến 24 tháng để hoàn thành.