Được biết, đơn vị đề xuất phương án trên là tập đoàn Poma (một công ty chuyên về cáp treo của Pháp), tuyến cáp treo được nêu ra để phục vụ vận tải công cộng - VTCC (như xe buýt) có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).
Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ được xây dựng vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 - 100m.
Dự kiến, tuyến cáp treo này có sức chứa từ 25 đến 30 khách trên mỗi cabin, mỗi giờ sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.
Liên quan tới đề xuất này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết, tập đoàn Poma vừa mới đề xuất với sở GTVT để được báo cáo về phương án xây dựng tuyến cáp treo.
Được biết, theo đề xuất, lộ trình tuyến trên có chiều dài trên 5km, trong đó có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng, khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.
Khi vận hành tuyến cáp treo sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đang làm giảm hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của VTCC hiện nay là tắc đường, di chuyển chậm, không đúng giờ...
Khi tuyến cáp đi vào hoạt động, hành khách di chuyển từ trạm trung chuyển xe buýt Long Biên sang bến xe Gia Lâm và ngược lại chỉ vài phút. Lộ trình này so với di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc xe cá nhân như hiện nay, vào giờ cao điểm thường phải mất từ 30 phút đến 1 giờ.
Thế Anh