Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) và đơn vị tư vấn là trường Đại học Giao thông Vận tải vừa hoàn tất Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND Thành phố vào cuối tháng 10.
Trong Đề án này, đơn vị tư vấn đã xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3 (cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3); chu vi khu vực thu phí khoảng 51 km, diện tích 150 km2.
Cụ thể, trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì… Các phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5h đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Dự kiến sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng đó sẽ xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
Xung quanh dự án này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp. Hà Nội nhận định: “Việc triển khai phải có lộ trình, có cơ sở khoa học, không vội vàng”.
Câu chuyện cũ, cách làm mới?
Người Đưa Tin (NĐT): Ông nhận định như thế nào về đề xuất lập 87 trạm thu phí xe vào nội đô Hà Nội?
Ông Bùi Danh Liên: Câu chuyện thu phí phương tiện đã được đặt ra cách đây vài năm nhưng không thể triển khai và tôi đã có ý kiến về việc này. Tuy nhiên, tôi luôn ủng hộ các đề xuất giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bởi mục đích của đề án là phục vụ lợi ích cho xã hội, cho người dân.
Trên thế giới, rất nhiều nước đã áp dụng nhưng phần lớn các nước này đều có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi đơn cử, Singapore rất có kinh nghiệm trọng việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành giao thông thông minh. Khi xe được gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Thậm chí, lái xe có thể lựa chọn đi trên làn đường khác nhau và có giá tiền thu phí khác nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của Hà Nội còn yếu kém, phương tiện giao thông công cộng còn khiên tốn so với nhu cầu của người dân (Hà Nội mới chỉ đạt 10%-PV), cá nhân tôi cho rằng đề án rất khó khả thi.
NĐT: Việc đặt các trạm thu phí, hạn chế ôtô đi vào khu vực trung tâm Hà Nội được cho là sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông. Thế nhưng, đây có phải bước đi đúng đắn để giải quyết tận gốc vấn nạn tắc đường, thưa ông?
Ông Bùi Danh Liên: Chúng ta đang xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, kinh tế số và giao thông thông minh là xu hướng tất yếu.
Việc thu phí vào nội đô là giải pháp kinh tế để kéo giảm ùn tắc, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới nhưng không vì thế mà làm bằng mọi cách. Việc triển khai phải có lộ trình, có cơ sở khoa học.
Hà Nội cần tập trung làm cho xong những công trình giao thông trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị, phát triển tàu điện ngầm... để giải quyết vấn đề một cách hệ thống thay vì tính đến các phương án tình thế. Khi hạ tầng giao thông phát triển, phương tiện công cộng đáp ứng được tốt nhu cầu người dân thì tự động họ sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân, xóa được tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo tôi, Sở GTVT Hà Nội cần đưa ra đánh giá, dự báo về số lượng phương tiện giảm được nếu áp dụng thu phí cũng như lộ trình được đưa ra, mức độ hiệu quả được tính toán ra sao. Chúng ta cần học tập kinh nghiệp của các nước, không nên vội vàng.
NĐT: Theo đề xuất, lộ trình triển khai chia theo theo các giai đoạn, trong đó hoàn thiện đề án, ban hành mức phí vào năm 2021-2025. Ông có nhận định gì về mốc thời gian này?
Ông Bùi Danh Liên: Như tôi vừa nói, hiện nay, hạ tầng giao thông của Hà Nội rất phức tạp, đang trong quá trình đầu tư, biến đổi. Tôi lấy ví dụ, việc triển khai đường vành đai 4 đang dang dở, đường sắt trên cao cũng chưa thể vận hành, giao thông công cộng chậm phát triển, hạ tầng giao thông chưa ổn định mà lập trạm thu phí thì sẽ rất khó khăn.
Muốn thực hiện đề án này phải đi kèm với các đề án thành phần khác. Việc thực hiện đề án phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ và có thời gian chuẩn bị cho chu đáo. Theo tôi, năm 2030, chúng ta mới có thể tính đến phương án này, Hà Nội khó đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng, chỉ tiêu phương tiện giao thông công cộng...vào năm 2025.
Việc bỏ nguồn vốn lớn ra đầu tư xây dựng trạm thu phí phải lường trước được có đáp ứng được hiệu quả như kỳ vọng hay không, tránh tình trạng “vừa làm vừa vá lỗi”.
Lo ngại "phí chồng phí", tác động "túi tiền" người dân
NĐT: Nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Theo ông, Hà Nội cần làm gì trước khi đề án được triển khai?
Ông Bùi Danh Liên: Trước đó, ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội đã được đưa ra nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. Chưa kể, chủ trương này động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân và cần có sự đồng thuận.
Mục đích thu phí làm nhằm giảm ùn tắc, giảm phương tiện cá nhân, vì vậy cơ quan chức năng cần khảo sát, lấy ý kiến người dân để đánh giá tác động của mức giá đưa ra, cần tính toán khung giá phù hợp với túi tiền của người dân.
Về các phương án đưa ra, Hà Nội cần chuẩn bị một cách chu đáo hơn, phải có đánh giá tổng thể, kỹ càng. Khi xây dựng dự án cần bàn tính kỹ về nhân lực, máy móc, cơ sở vật chất đầu tư; các phương án kỹ thuật áp dụng thu phí cần được thực hiện khoa học, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ tại trạm, tạo ra bất cập phát sinh.
Hơn nữa, khi đụng chạm đến thu phí thì phải minh bạch, Hà Nội cần có giải trình cụ thể về việc sử dụng nguồn phí thu được sẽ sử dụng như thế nào (bổ sung vào ngân sách hay xây dựng hạ tầng giao thông-PV). Thu như thế nào, dự toán ra sao, tất cả phải đúng luật, áp dụng phải có thống nhất.
Bên cạnh đó, khi triển khai thu phí cần tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm; cần phải có giải pháp hài hòa nhất, đảm bảo được lợi ích của nhà nước với doanh nghiệp và người dân, làm sao không phát sinh tình huống “phí chồng phí”.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhận định, với hạ tầng và tình hình giao thông hiện tại của Thủ đô, đề xuất lập 87 trạm thu phí như trên là "hơi sớm, chưa thể đáp ứng được các điều kiện cần và đủ".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua các thông tin đăng tải trên báo chí, việc thu phí ô tô đi vào nội đô có thể làm nảy sinh ra bất cập về chủ trương. "Nếu như Hà Nội chỉ thu phí để giảm lượng xe ô tô thì liệu phải chăng xe máy sẽ tăng lên, mà như vậy thì lại trái ngược với chủ trương hạn chế xe máy mà thành phố đang nghiên cứu. Vấn đề ở đây là mọi đề xuất phải đồng bộ, tránh chồng chéo nhau", ông Quyền phân tích.
Theo ông Quyền, không nên thu phí với xe chở hàng hóa, vận tải khách vì các phương tiện này đã không được vào nội đô giờ cao điểm, nếu phải trả phí lưu thông vào giờ thấp điểm thì sẽ thành lạm thu, trong khi đây là các phương tiện phục vụ kinh doanh của người dân.
Khánh Ngân
Hương Lan (Thực hiện)