Nhà sử học Dương Trung Quốc mặc quần soóc đi họp
Nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu câu chuyện với PV bằng đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản cách đây ít lâu, kêu gọi cởi cái cà vạt cho bớt nóng.
“Điều này khiến mình nghĩ liệu có thể cởi thêm cái gì nữa không? Tôi gợi ý nên trở lại với cái quần ống ngắn (gọi theo kiểu phiên âm của người Tây là cái quần soóc) của cánh đàn ông”, ông Quốc nói.
Bác Hồ trong trang phục quần soóc và khoác veston bên cạnh các ông: Phạm Văn Đồng, Chu Xương, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp (Ảnh chụp năm 1946)
LTS: Chiếc quần soóc tưởng chừng như chỉ để mặc đi chơi, nhưng ít ai còn nhớ trước đây, quần soóc được nhiều người lựa chọn làm trang phục thuận tiện để đi làm. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Bác Hồ cũng từng tiếp khách quốc tế trong trang phục quần soóc và khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của người Hà Thành xưa. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có vài lần mặc quần soóc đến cuộc họp, cơ quan, công sở.... Ông Quốc cho biết, ông luôn gặp phải sự e ngại, bởi nhiều người không biết mặc quần soóc như vậy bị cấm không?
Theo nhà Sử học, những ai có ký ức về thời trước cách mạng đều biết rằng vận quần ống ngắn mùa hè rất phổ biến, không chỉ đối với giới trẻ năng động mà với cả lớp người cao tuổi.
Cái quần soóc không chỉ là đồ thể thao hay mặc khi đi pic-nic mà còn trở thành sắc phục của công chức trong một số ngành nghề.
Đến khi cách mạng thành công, cảnh sát của chế độ mới mặc quần ống ngắn đạp xe tháp tùng chiếc ô tô của Cụ Chủ tịch ra Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Anh chị em lặn lội từ chiến khu về Hà Nội cũng được vận bộ quân phục mới do người Hà Nội may sắm để dự lễ điểm binh..., lấy cái quần ngắn ống để tôn thêm cái vẻ đẹp mạnh khoẻ của đội quân cách mạng.
Cụ Hồ cũng vận quần soóc tiếp khách quốc tế cho dù dấu ấn của tuổi tác cũng như đau ốm trên chiến khu để lại trên đôi chân vạn dặm của mình. Hơn thế, Cụ mặc quần soóc nhưng lại khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của dân Hà Thành xưa.
Cái quần ngắn ống ấy được ống kính của các nhà nhiếp ảnh hay điện ảnh lưu giữ lại thành những chứng tích lịch sử của một thời đã qua.
“Nhưng vì sao đến nay không thấy ai mặc thứ quần ngắn ống ấy như một thứ trang phục được coi là nghiêm chỉnh mà chỉ được coi là thứ đồ dành cho giới trẻ, chỉ được dùng trong sinh hoạt thể thao hay chí ít là ngoài công sở”, ông Quốc nói.
Bác Hồ mặc quần soóc tiếp khách quốc tế
Phù hợp với khí hậu Việt Nam
Theo ông Dương Trung Quốc, quần soóc tiện dụng, thoải mái, kích thích năng động... do đó cần được quan tâm, nhất là ở nước nhiệt đới như Việt Nam.
“Không phải suồng sã lúc nào cũng mặc quần soóc, ví dụ như đến đám ma, đám cưới... không nên mặc. Tuy nhiên, nên coi mặc quần soóc là chuyện bình thường, không nên coi quần soóc chỉ để mặc đi chơi”, ông Quốc bày tỏ quan điểm.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã từng mặc quần soóc đi họp
Tại sao chiếc quần soóc lại “biến mất” khỏi công sở? Nguyên nhân vì sao và vào thời điểm nào? Những họa sỹ, nhà nghiên cứu trang phục nói gì về đề xuất mặc quần soóc đi làm? |
Ngoài ra, mặc quần soóc còn giúp con người ý thức hơn về sự tiết kiệm. Ông Quốc nhấn mạnh đề xuất của một vị Thủ tướng Nhật Bản, tháo cà vạt cho bơt nóng. Đề xuất này nhằm giảm bớt nhu cầu sử dụng máy lạnh tại công sở, góp phần giảm bớt sự tiêu hao năng lượng. Thậm chí Nhật Bản cũng quy định máy lạnh công sở không được thấp dưới 28 độ.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: Nước giàu có như Nhật Bản mà ý thức tiết kiệm cao như vậy, có đáng để chúng ta lưu tâm?
Ông Dương Trung Quốc cho biết, khi ông đặt vấn đề liệu có thể coi quần soóc là một thứ thời trang công sở mùa hè hay không, đại đa số bày tỏ sự tán đồng.
“Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đó là một thứ trang phục “thiếu đứng đắn”, thậm chí còn sẵng giọng mắng người đề xướng dỗi hơi nêu chuyện dở hơi… Có lẽ vì thế mà chẳng thấy nhà thiết kế thời trang hay buổi trình diễn thời trang nào quan tâm đến cái quần ống ngắn này”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Theo Khám phá