Đó là thông tin, tại cuộc họp Thường vụ của UBTV Quốc hội, "Tư lệnh ngành" này nói, thuế có hiện tượng "băm đôi" và trong cuộc họp cán bộ chủ chốt của Bộ, "Tư lệnh ngành" khuyến khích các lãnh đạo, cán bộ các đơn vị thuộc Bộ cần đi lại bằng máy bay giá rẻ thay vì hạng thương gia.
Liên quan đến những ý kiến gây sốc của "tư lệnh ngành"
Thông tin này được chính Cục trưởng Hàng không, ông Lại Xuân Thanh xác nhận. Hơn nữa, tại cuộc họp này, “Tư lệnh ngành” cũng đưa ra được ví dụ cụ thể, xác đáng để cán bộ biết. Đó là ông cùng Chánh văn phòng của Bộ, đi công tác từ TP.HCM ra Hà Nội bằng máy bay giá rẻ của hãng VietJetAir, giá vé là hơn 5 triệu đồng/2 người. Trong khi đó, nếu là vé hãng thương gia của Vietnam Airline thì số tiền chi cho 2 người bay/chiều là hơn gấp đôi với tiền vé của VietJetAir.
Với ví dụ cụ thể này, ai cũng thấy nó rất hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Song, trao đổi với PV, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, đi công tác đột xuất, rất khó mua được vé máy bay giá rẻ. Vì nó có sự bó buộc về thời gian mua vé và cất cánh của máy bay. Vì thế, không phải trường hợp nào, cán bộ của ngành cũng có thể đi máy bay giá rẻ được. Đối với những trường hợp đi công tác có kế hoạch trước, việc đặt vé máy bay giá rẻ dễ dàng hơn, những trường hợp đột xuất, không hề đơn giản.
Hơn nữa, giờ bay của máy bay giá rẻ thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố lượng khách, thế nên, cán bộ đi công tác mà căn sát giờ, ngày, thường bị ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Có chuyến bay bị chậm, lùi tới 3-4h, thậm chí nửa ngày để gộp lượng khách, ảnh hưởng tới công việc của cán bộ.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Thực chất, đây không phải là đề xuất mới và có tính bất ngờ gì. Theo tìm hiểu của PV thì nhiều nước, họ cũng áp dụng mọi cách tiết kiệm chi phí cho những việc không cần thiết, thậm chí là nguyên thủ quốc gia cũng đi máy bay của hãng hàng không giá rẻ, khuyến mại. Có nghĩa là, chúng ta không nên quan trọng việc đi lại trong khi đi công tác. Đi bằng máy bay gì, ngồi ở khoang nào không bằng phù hợp với điều kiện, kịp thời và chất lượng trong công tác. Người ta sẽ không đánh giá sự sang trọng hay người đó "giỏi" khi đi vé máy bay hãng thương gia hay vé thường.
Về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ kể một câu chuyện: "Khi còn tại chức, cán bộ văn phòng hỏi, bác đi công tác TP.HCM, vé hạng gì để cháu đặt? Tôi bảo rằng, tiện lợi, phù hợp với thời gian của công việc thì đặt. Tôi thường đi Vietnam Airline loại vé thường, vì nó đúng giờ, không chậm chuyến bay thay vì vé VIP như nhiều người vẫn gọi. Tôi thấy bình thường, không suy nghĩ gì về việc này. Sau này, tôi mới biết, anh em văn phòng kháo nhau, bác ấy không đi vé VIP thì phí... Tôi cười và không trách suy nghĩ của họ. Đề xuất của "Tư lệnh ngành" giao thông là phù hợp với hiện tại của nền kinh tế, chúng ta cần ủng hộ".
Và câu chuyện “băm đôi”
Cũng liên quan đến "Tư lệnh ngành" giao thông, vừa rồi, phát ngôn có hiện tượng "băm đôi" thuế ở UBTV Quốc hội đã làm Cục trưởng cục Thuế Hà Nội rất bức xúc, lên tiếng về cái từ "băm đôi" thuế này. Và, cũng từ hiện tượng "băm đôi" này mà trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu bộ Tài chính phải có kế hoạch cụ thể cho việc chống thất thu thuế. Sau phát ngôn có hiện tượng "băm đôi" thuế, ngành thuế đã có ý kiến, điều đó chứng tỏ, chúng ta đang đi theo một lộ trình rất tốt trong công việc là có vấn đề thì trao đổi, đối chất chứ không im lặng, bỏ qua cho chìm xuồng.
Xung quanh vấn đề này, tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Thanh Quang (hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) cho rằng: "Chúng ta để ý đến những nhận xét đúng của nhau là việc làm rất tốt, dù đó là hiện tượng hay bản chất của vấn đề. Điều đó cho thấy, cán bộ bây giờ cũng bắt đầu trọng chữ tín, làm việc với tinh thần cầu thị, không muốn ai "đụng đến mình".
Những trao đổi, va chạm, thậm chí là đối chất để tìm ra cái đúng, dù nó có va đập, thậm chí vỡ vụn là rất cần, vì nó rất tốt cho sự phát triển". Cũng liên quan đến lời nói, đến phát ngôn của những người nổi tiếng, "Tư lệnh ngành", tiến sỹ Thanh Quang nhận định: "Tôi thấy những "phát ngôn động" như trên là cần thiết. Chúng ta sống trong thời kỳ đổi mới về kinh tế, tư duy, chúng ta phải biết phản biện những gì chưa phù hợp và ủng hộ những gì đúng, phù hợp với thực tế.
Những "phát ngôn nằm" (kiểu nói cũng như không) của một số "Tư lệnh ngành" thật đáng chê trách. Họ phát ngôn kiểu "gió thoảng qua", chẳng ai thèm đối chất, bức xúc hay quan tâm. Đó mới là những phát ngôn tệ hại, đáng phê phán. Tôi cho rằng, những phát ngôn chung chung của một số "Tư lệnh ngành" như lỗi A thuộc quyền quản lý của cơ quan B, tôi cho kiểm tra... là kém về nhận thức vấn đề. Họ không dám thừa nhận sự yếu kém của mình, không dám nhìn thẳng vào sự thật để có hành động điều chỉnh đúng thì chẳng khác nào dân thường nói bâng quơ..." .
Thực chất, mỗi công dân đều có quyền đưa ra ý kiến về một vấn đề, hiện tượng, sự kiện, vụ việc nào đó. Thế nhưng, ý kiến đó như thế nào, có "gây bão" không lại là chuyện khác. Chúng ta không cổ vũ cho phát ngôn sốc, mà hãy đồng lòng, trao đổi và đối chất thực tế với những phát ngôn mang tính xây dựng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thủ tướng Singapore dự hội nghị quốc tế bằng máy bay của hãng hàng không giá rẻ Anh Vũ Đức Huân, cán bộ cục Hàng không, khi còn làm Giám đốc An ninh sân bay Nội Bài khẳng định: “Hội nghị cao cấp APEC lần thứ 16, tổ chức tại Việt Nam năm 2006, có nhiều đoàn khách nước ngoài sang Việt Nam tham dự hội nghị bằng máy bay của hãng hàng không giá rẻ. Thậm chí, nguyên thủ quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á là ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, sang Việt Nam dự APEC bằng máy bay của hãng hàng không giá rẻ, đang khuyến mại rất lớn ở nước họ, thời điểm đó. Chuyện đi lại này, theo tôi, nó không phải là cái gì to tát, miễn tiện lợi mà vẫn đảm bảo an toàn là được”. |
Hoàng Lệ