Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2019/TT-NHNN nhằm ứng dụng các công nghệ mới nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh trong đại dịch Covid-19.
Nhằm mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua phương thức không gặp mặt trực tiếp và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thanh toán cho hoạt động tiêu dùng, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung các quy định liên quan đến việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử.
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung Điều 10a vào sau Điều 10 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về phát hành thẻ bằng phương thức điện tử.
Theo đó, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ, bao gồm tối thiểu các bước như sau:
Bước 1, thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ (bao gồm hạn mức thấu chi), thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của tổ chức phát hành thẻ.
Bước 2, thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Bước 3, cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ ngân hàng được phát hành bằng phương thức điện tử.
Bước 4, cung cấp cho khách hàng nội dung hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo các nội dung tại Điều 13 Thông tư này và thực hiện ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng đảm bảo quy định về giao dịch điện tử;
Bước 5, thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.
Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu dưới đây.
Thứ nhất, có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỉ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng theo yêu cầu của tổ chức phát hành thẻ hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc bởi tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử.
Thứ hai, có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với từng nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Thứ ba, xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi phát hành thẻ cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử là chủ thẻ chính.
Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ.
Thứ tư, lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng phát hành và sử dụng thẻ, như: thông tin nhận biết khách hàng; các yếu tố sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch.
Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch thẻ của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giao dịch qua thẻ ghi nợ (bao gồm hạn mức thấu chi), thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh không vượt quá 100 triệu đồng/tháng.
Tổ chức phát hành thẻ được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của thẻ mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định trên và được thực hiện thanh toán quốc tế đối với một trong các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, tổ chức phát hành thẻ áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân; đồng thời áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình phát hành thẻ đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp; giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh hoặc bản ghi hình, ghi âm trong quá trình phát hành thẻ cho khách hàng.
Trường hợp thứ hai, sau khi tổ chức phát hành thẻ đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ thẻ chính là cá nhân.
Những lưu ý
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử tại điều này không áp dụng với khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Thông tư này.
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định, tổ chức phát hành thẻ quyết định thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản cho các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định trên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hoặc các sự kiện bất khả kháng (bao gồm các khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19).
Xem thêm: Đề xuất chuyển nhượng dự án đầu tư sẽ áp thuế GTGT 10%
Xem thêm: Cần chuẩn bị gì để nhanh chóng nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN?
Tuệ Minh
* Quý vị độc giả quan tâm, thắc mắc các vấn đề liên quan văn bản, chính sách mới, vui lòng email cho chúng tôi theo địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn