Ngày 20/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đăng tải dự thảo đề cương chi tiết Luật Việc làm (sửa đổi) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế.
Thứ nhất, một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan, cụ thể: Các quy định về công tác quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; Quy định, chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội; Quy định về việc thu thập và công bố số liệu về thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng đúng yêu cầu của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định tại Luật Thống kê; Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội đang trong quá trình sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2023), trong đó có một số nội dung về bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được điều chỉnh trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó cần sửa đổi Luật Việc làm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Thứ hai, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số (năm 2020, Việt Nam đứng thứ 22/60 về tốc độ số hóa và thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới), thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường mạng;…
Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017), tuy nhiên chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm đối với thanh niên; lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi; chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.
Các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm: chính sách vềtín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tuy nhiên hiện nay, điều kiện kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi, do đó các chính sách đã không còn phù hợp và phát huy được hiệu quả.
Mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc, khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông.
Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thiếu cơ chế quản lý, điều tiết của Nhà nước: thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là nhân lực trình độ cao; bộ máy quản lý nhà nước về hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa có cơ chế kiện toàn; chưa có kinh phí cho phát triển kỹ năng nghề và tổ chức thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;...
Thứ ba, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 chưa bảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cụ thể, Luật Việc làm quy định về dịch vụ việc làm bao gồm các hoạt động tại Khoản 1 Điều 36, như vậy, các nội dung này chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm mà Việt Nam đã tham gia cũng như Công ước số 181 về tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân; Công ước số 88 của ILO nhấn mạnh dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống quốc gia bao gồm một mạng lưới các cơ quan dịch vụ việc làm địa phương hoặc vùng. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm hoạt động chưa có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoạt động giữa các Trung tâm còn hạn chế và chưa thể hiện nguyên tắc thống nhất về hoạt động nghiệp vụ.
Từ thực tế trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Đề xuất 4 nhóm chính sách về lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến đề xuất xây dựng 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi 04 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, "cú sốc" thị trường … đột xuất khác.
Bên cạnh đó, quy định các vấn đề liên quan Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (phù hợp với định hướng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)). Quy định việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tạo thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.
Bổ sung một số quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng…
Đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.
Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, sửa đổi điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng bỏ nội dung "gặp khó khăn do suy giảm kinh tế", quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn, giới thiệu việc làm: sửa đổi, bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được xác định trên cơ sở số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và giá dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ học nghề: Sửa đổi tên chế độ "hỗ trợ học nghề" thành "hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề"; bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; người lao động được hỗ trợ chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí…) trong thời gian học nghề; bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi bao gồm các quy định về điều kiện hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung nội dung chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các nội dung chi hỗ trợ quản lý, phát triển người tham gia, thu thập thông tin cung - cầu lao động… góp phần quản trị thị trường lao động.
Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp.
Bổ sung quy định về khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp: Quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp.
Tuệ Minh