Như thông tin báo Người Đưa Tin đã đưa, ngày 27/11, viện Khảo cổ học phối hợp với bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng và phát hiện 27 chiếc cọc.
Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo khi di chuyển đến các vị trí đóng cọc.
Bước đầu, viện Khảo cổ nhận định bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 - năm 1288. Đây là trận địa nhằm ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Từ đó, quân địch buộc phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn khiến tàu bị nhấn chìm xuống lòng sông Bạch Đằng.
“Tôi dự đoán cọc gỗ không làm ra chỉ để đâm thủng chừng ấy đoàn thuyền. Nó còn dồn quân địch vào để quân dân nhà Trần phóng hỏa công. Thuyền có thể đắm trước bãi cọc.
Việc mở rộng phạm vi khai quật, sẽ giúp tìm ra quy mô phân bố bãi cọc, tìm theo dấu vết có thể tìm thấy thuyền đắm và các hiện vật liên quan như vũ khí”, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói.
Đồng thời, GS Giang bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có một cuộc nghiên cứu có tính chất liên ngành lịch sử, khảo cổ, địa lý, quân sự để lập lại bản đồ chiến trường Bạch Đằng.
Từ đó, TP.Hải Phòng có thể thực hiện được một dự án như xây dựng bảo tàng tái hiện trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 để bãi cọc không chỉ làm say lòng các nhà nghiên cứu mà còn khiến mọi người yêu mến và tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc hơn.
Vẫn theo GS Giang, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần mang ý nghĩa quốc tế, khiến quân Nguyên – Mông phải hủy bỏ kế hoạch đánh vào Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, mở ra giai đoạn suy yếu, tan rã của đế chế này.