Chiều ngày 4/8, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo này nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến góp ý từ các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Doanh nghiệp gặp khó khăn, cản trở trong tiếp cận đất đai
Nói về sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật đất đai, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu: “Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.”
“Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ những tồn tại, do thủ tục hành chính rườm rà, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, cản trở trong tiếp cận đất đai", ông Phạm Tấn Công chia sẻ thêm.
Phát biểu trong buổi lễ, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ: “Mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm xây dựng một Bộ luật Đất đai, thể chế hóa đầy đủ, xác định các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Dự thảo Luật lần này cần tiếp tục hoàn thiện định hướng về thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đây là hội thảo chính thức đầu tiên trong toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sau buổi góp ý này, ngày 06/8/2022, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra lấy ý tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Chờ đợi định giá đất rất lâu
Đáng chú ý trong buổi hội thảo là những đề xuất, tham luận về Dự thảo bộ Luật đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với 3 chủ đề chính: vấn đề đất đai cho phát triển hạ tầng và sản xuất lớn, Luật Đất đai và việc phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, vấn đề về giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Mở đầu bài tham luận của mình, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã nêu những đóng góp của mình về những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng trong các điều 40, 41, 42, 47, 54, 51, 64,... tại Dự thảo luật.
Cụ thể, trong khoản 6 điều 51 quy định đối với những dự án đầu tư công nếu mà quá 05 năm kể từ năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa được thực hiện thì người sử dụng đất trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, điều này khá là bất cập trong khi những dự án đầu tư công có thời hạn 05 năm, mà những dự án ngoài chỉ có thời hạn 03 năm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hiệp cũng đề xuất bỏ khung giá đất. Theo luật đất đai 2013, khung giá đất 5 năm sẽ điều chỉnh một lần. Nhưng theo luật cũ thì dự án nào cũng qua định giá đất. Chờ đợi định giá đất từ chuyên viên đến lãnh đạo, các dự án sẽ rất lâu. Vì vậy, mỗi năm nên có một bảng giá đất sẽ rất tiến bộ và hiệu quả cho nhà đầu tư.
Cũng cùng góp ý về vấn đề giá đất, ông PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định Dự thảo Luật vẫn chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể.
Về cơ bản, quy định về xác định giá đất cụ thể vẫn kế thừa khoản 3 Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể”.
Hơn những thế, hội thảo còn đón nhận thêm những bài tham luận của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bất động sản khác để cùng góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.