'Đề xuất mỗi người 1 ô tô của CSGT Hà Nội là vi hiến'

'Đề xuất mỗi người 1 ô tô của CSGT Hà Nội là vi hiến'

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Chủ nhật, 22/01/2017 23:16

Các luật sư cho rằng, đề xuất mỗi người chỉ sở hữu một ô tô là không đúng, không phù hợp, mang tính tình thế.

Đề xuất mỗi cá nhân chỉ được sở hữu một biển số, một xe ô tô được CSGT Hà Nội nêu ra mới đây, nhiều người cho rằng không phù hợp. 
 
Về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Điều 32  Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định "mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác".
 
Xã hội - 'Đề xuất mỗi người 1 ô tô của CSGT Hà Nội là vi hiến'

Luật sư Giang Hồng Thanh: "Vấn đề giao thông không thể đề xuất một giải pháp chỉ mang tính tình thế".

 
Theo luật sư Thanh, căn cứ quy định tại điều này thì không có sự hạn chế trong việc sở hữu tài sản đồng nghĩa là mọi người đều có quyền sở hữu số lượng tài sản hợp pháp tùy theo khả năng của mình. Bên cạnh đó cũng không có bất cứ điều luật nào cấm người dân sở hữu trên 1 ô tô cá nhân. 
 
"Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đề xuất mỗi công dân chỉ được được sở hữu 1 ô tô là chưa phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Tất nhiên đây mới chỉ là đề xuất, chưa phải là quy định bắt buộc", luật sư Giang Hồng Thanh nêu quan điểm.
 
Cũng theo luật sư Thanh, người dân cũng cần phải thông cảm với đề xuất  này của Phòng CSGT Hà Nội bởi lẽ đề xuất đó mục đích giảm ùn tắc giao thông đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, xảy ra mọi lúc, mọi nơi gây thiệt hại to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho toàn xã hội.
 
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, dù phục vụ mục đích, nhu cầu nào đi chăng nữa thì các quy định cũng không được trái Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy người dân rất cần có những biện pháp tổng thể, đồng bộ, khoa học nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông chứ không phải là những đề xuất có tính tình thế như vậy", luật sư Giang Hồng Thanh nói.
 
Nhận định về đề xuất này, luật sư Trần Tuấn Anh  - Công ty Luật Minh Bạch cho rằng: Với đề xuất “mỗi công dân chỉ được cấp 1 số đăng ký xe ô tô” thì mỗi cá nhân chỉ được sở hữu duy nhất một xe ô tô. Quy định này đã vô hình chung hạn chế quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân. Bởi ô tô ở Việt Nam hiện nay đang ngày một phổ biến, được coi là một loại tư liệu sinh hoạt, là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công dân và được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Theo luật sư Tuấn Anh, Hiến pháp Việt Nam đã quy định cụ thể tại chương II các quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Không những ảnh hưởng đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân. Nó thể hiện sự “bất lực” trong việc giải quyết bài toán hóc búa về giao thông hiện nay. 

Xã hội - 'Đề xuất mỗi người 1 ô tô của CSGT Hà Nội là vi hiến' (Hình 2).

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đề xuất mỗi người một biển số, một xe ô tô là vi hiến.

"Thực trạng và nguyên nhân ùn tắc giao thông ở Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như: Ý thức kém của người dân khi tham gia giao thông, mật độ người, phương tiện tăng cao… Và quan trọng hơn hết là quy hoạch đô thị bất hợp lý, cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của giao thông. Như vậy không thể nói rằng mỗi công dân có từ 2,3 hay nhiều xe là nguyên nhân gây nên ùn tắc bởi cùng một lúc tất cả những xe đó có lưu thông hay không lại là một vấn đề khác", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đề xuất “nếu có nhu cầu đổi xe thì vẫn giữ nguyên biển xe cũ” cũng chứa nhiều điểm bất cập. Bởi mỗi số biển xe đi kèm với đăng ký xe và được thể hiện trên giấy đăng ký. Việc đăng ký phải căn cứ vào số máy của xe. Như vậy, khi có nhu cầu “lên đời” hay đổi xe khác thì việc sử dụng biển xe – đã gắn liền với đăng ký và số sườn, số máy của xe cũ để lắp và tiếp tục sử dụng với xe máy cũng sẽ gây khó khăn trong việc quản lý phương tiện. Và trong trường hợp, người sử dụng xe chưa bán được xe cũ thì cũng rất bất tiện trong nhu cầu mua xe mới bởi mỗi cá nhân chỉ được cấp 1 biển xe.

Hơn thế nữa, việc đề xuất này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, lắp rắp xe hơi đang dần phát triển ở nước ta. Nó làm giảm sức mua, gây tâm lý cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn xe.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) nếu quy định mỗi công dân chỉ sở hữu một biển số thì phải thay đổi nhiều luật, nghị định, thủ tục hành chính cho phù hợp.

Về việc mỗi công dân chỉ sở hữu một ô tô còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản, Hiến pháp, muốn được chấp thuận thì cần phải các cơ quan có thẩm quyền xem xét có phù hợp hay không?

Cũng theo ông Sơn, đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu một xe ô tô không phải vấn đề đơn giản. Năm 2003, thông tư của Bộ Công an quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này đã phải bỏ vì có nhiều bất cập.

 
Nhất Nam
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.