Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố Hồ sơ thẩm định Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Giai đoạn 2015-2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.
Theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa đổi, bổ sung: Bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: (1) Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên; (2) Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Luật Việc làm quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN.
Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung: Sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Đề xuất mới nhất về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo khoản 1 Điều 86 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất người lao động thuộc đối tượng sau đây tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
(i) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
(ii) Người lao động quy định tại (i) làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
(iii) Người làm việc theo hợp đồng làm việc;
(iv) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khi đó để có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì những người lao động nêu trên đang đóng bảo hiểm thất nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại (iv) theo quy định của pháp luật trừ một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức;
- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;
- Người lao động hưởng lương hưu;
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại (iv) theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 12 tháng.
(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
(4) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không thuộc trường hợp sau đây:
- Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư;
- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
7 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 108 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
(i) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
(ii) Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
(iii) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
(iv) Hưởng lương hưu hằng tháng;
(v) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
(vi) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 103 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trong 03 tháng liên tục;
(vii) Ra nước ngoài để định cư;
(viii) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
(ix) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
(x) Chết;
(xi) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
(xii) Bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
(xiii) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
(xiv) Theo đề nghị của người lao động.
Trong đó, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm (ii), (iii), (viii), (xi), (xii), (xiii) và (xiv) sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 100 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trừ trường hợp không thông báo lý do chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
T.M