Nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cụ thể, dự thảo Nghị định này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (sau đây gọi chung là cưỡng chế), trách nhiệm thi hành và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.
Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị định bao gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.
Cùng với đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.
Đồng thời, phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế và cá nhân, tổ chức khác có liên quan trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế: Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc, địa bàn quản lý của Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc căn cứ lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn hoặc địa bàn quản lý của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho một cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.
Cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xây dựng phương án cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế.
Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế
Đáng chú ý, nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế được quy định cụ thể như sau:
Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập không có thu được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền, và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.
Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.
Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản chung của hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác; trường hợp tài sản chung không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản của các thành viên trong hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật có liên quan quy định khác.
Dự thảo Nghị định này dự kiến sẽ thay thế Nghị định 166/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp Dự thảo Nghị định này được ban hành thì cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính mà đang xem xét, giải quyết, ra quyết định cưỡng chế trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực mà chưa tổ chức thi hành cưỡng chế, thì áp dụng các quy định của Dự thảo Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định cưỡng chế đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế còn khiếu nại, thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 166/2013/NĐ-CP.