Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đặc biệt là các Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị đi vào trật tự, nền nếp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các Nghị định.
Việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước gắn với công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan ở Trung ương và địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị.
Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết; khắc phục những hạn chế, bất cập mà các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi thực hiện, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ làm gián đoạn hoạt động đầu tư xây dựng, tác động tiêu cực tới các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bảo đảm sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước một cách hợp lý, tạo chủ động, nâng cao trách nhiệm cho địa phương gắn với công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý đầu tư phát triển đô thị
Trong dự thảo, Bộ Xây dựng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số khoản tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 13, Điều 38, Điều 41, Điều 46 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP theo hướng phân cấp toàn diện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các khu vực cụ thể của dự án được phép chuyển quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở; quy định cụ thể điều kiện khu vực được phép chuyển quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở. Tiếp tục phân cấp thẩm quyền quyết định một số khu vực phát triển đô thị của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị bảo đảm đồng bộ với pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Bổ sung quy định cụ thể về bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu đô thị; sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ, nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị, xử lý chuyển tiếp, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bổ sung quy định cụ thể về Chương trình phát triển đô thị.
Cụ thể, dự thảo bổ sung "Điều 3a, Chương trình phát triển đô thị". Theo đó, chương trình phát triển đô thị là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, được lập cho các đối tượng sau: Tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố, thị xã, thị trấn trực thuộc tỉnh hoặc trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương trình phát triển đô thị phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị; chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị cấp cao hơn được duyệt; các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương; đồng bộ với các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến phát triển đô thị.
Chương trình phát triển đô thị phải xác định được: Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; các chương trình, đề án trọng tâm về phát triển đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...
Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới trong tương lai từ đơn vị hành chính nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị mới. Trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày thành lập đơn vị hành chính đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị và phê duyệt theo quy định.
Chương trình phát triển đô thị phải được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp đánh giá việc thực hiện sau từng giai đoạn 5 năm hoặc cấp có thẩm quyền ban hành mới các mục tiêu phát triển đô thị hoặc phê duyệt các quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch quy định.
Việc cho phép cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển đô thị thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và các quy định sau: Dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng theo phân kỳ đầu tư dự án; có các biện pháp quản lý đảm bảo việc xây dựng nhà ở tuân thủ nội dung và tiến độ của dự án; việc xác định các khu vực có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm cấp đô thị và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị phải căn cứ vào quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện và định kỳ kiểm tra việc thực hiện các quy định tại khoản này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung khoản 2a sau khoản 1 và trước khoản 2 Điều 13 như sau: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị và cơ chế phối hợp với các sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phù hợp với quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và quy định tại Điều này”.
Đồng thời dự thảo bãi bỏ khoản 11 Điều 2, Điều 19, Điều 31, Điều 32, Điều 36, Điều 37, Điều 40 và khoản 3 Điều 50 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về lập quy hoạch tổng mặt bằng đối với một số khu vực trong đô thị, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và các công tác liên quan.
Tuệ Minh