Ngày 20/6, Bộ Tài chính đã đăng tải "Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức" để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức
Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, dự thảo hướng dẫn tương tự như khoản 2 Điều 3 Thông tư số 95/2021/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025".
Cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự thảo cũng sửa đổi khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc sử dụng kinh phí. Cụ thể, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học; bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng, an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo Phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn Nghị định.
Bổ sung nội dung, mức chi liên quan đến bồi dưỡng theo loại hình từ xa
Thực tế trong thời gian qua do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa (học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến).
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số nội dung chi tại điểm a khoản 3 Điều 4.
Các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng từ xa gồm: Chi mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo, bồi dưỡng từ xa (phần mềm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; bài giảng, phần mềm mô phỏng, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị phục vụ giảng dạy từ xa; chi phí đường truyền, chi phí phục vụ trực tiếp lớp học ảo…); chi số hóa tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến.
Về mức chi, dự thảo đề xuất mức chi trên cơ sở tham khảo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 5 Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông.
Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống quản lý học tập trực tuyến: Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì căn cứ sự cần thiết quyết định việc mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin theo phân cấp quản lý; tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu, chứng từ, hoá đơn, các quy định về chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Chi số hóa tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bổ sung một số nội dung quy định đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phỉ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Dự thảo đã bổ sung nguyên tắc tại Điều 3 Thông tư số 36/2018/TT-BTC sau:
“Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo Phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn Nghị định”.
Ngoài các vấn đề trên, dự thảo cũng sửa đổi một số lỗi kỹ thuật tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC và sửa đổi một số văn bản trích dẫn đã bị thay thế bởi các văn bản khác.
Tuệ Minh