Trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch đưa tin, ngày 8/6, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Du lịch TP. HCM về việc phục hồi hoạt động du lịch và định hướng phát triển du lịch Thành phố trong thời gian tới.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch TP. Hồ Chí Minh đã gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu du lịch trên địa bàn Thành phố đạt 27.048 tỷ đồng, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 18,4% so với kế hoạch năm. Khách quốc tế đạt 1.303.750 lượt giảm 63,17% so với cùng kỳ, đạt 14,49% so với kế hoạch năm.
Đại dịch Covid-19 thật sự đã làm cho toàn ngành du lịch TP. HCM tê liệt, du lịch quốc tế bị đình trệ từ tháng 3/2020, doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 – 60% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm cho đến tháng 4 năm 2020, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động.
Với việc Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19, từ tháng 5/2020, hoạt động du lịch nội địa trên địa bàn Thành phố đã khởi động trở lại với lượng khách chủ yếu là đi theo dạng cá nhân, nhóm nhỏ gia đình.
Về phương hướng của ngành du lịch Thành phố trong những tháng cuối năm 2020, Sở Du lịch báo cáo sẽ tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính: (1) Hoàn thành chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn; (3) Triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; (4) Chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu rộng với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước; (5) Hoàn thành đề án Du lịch thông minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; (6) Triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh, thành Đông Nam bộ; (7) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch; (8) Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng mong muốn với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch sẽ giúp Sở tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề trong thực tiễn đặt ra, liên quan đến công tác thống kê du lịch; xây dựng sản phẩm liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch theo chiều sâu văn hóa; công tác quản lý cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên; truyền thông du lịch...
Theo báo Thanh niên, tại buổi làm việc, TS Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá những đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch là thông tin quý cho công tác quản lý của ngành du lịch.
Do vậy, những nội dung nào trong quyền hạn của mình, Tổng cục Du lịch sẽ sớm tìm giải pháp tháo gỡ, những nội dung còn lại sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tìm hướng xử lý, giải quyết.
Ông Khánh thông tin: “Ngay thời điểm lễ 30/4 - 1/5 hoạt động du lịch bắt đầu được khởi động lại. Đó như một phép thử, du lịch, hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng lại phục hồi nhanh chóng. Trong kỳ nghỉ lễ này, nhiều bãi biển tràn ngập khách, các địa phương không chuẩn bị kịp cơ sở lưu trú, ăn uống cho khách”.
Do đó, ông Khánh cho biết đang kiến nghị kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 (năm nay rơi vào thứ tư, cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh) có thể kéo dài đến hết tuần nhằm kích cầu du lịch, cơ hội để người dân đi khám phá, du lịch trong nước, sau đó bố trí thời gian làm bù lại phù hợp.
Kết luận buổi làm việc, ông Khánh cho biết, thị trường du lịch quốc tế từ tháng 3 đến nay đóng băng, du lịch nội địa đang dần đạt những kết quả tốt. 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm 48% so với cùng kỳ các năm trước.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch quốc tế chưa có kế hoạch mở lại làm ảnh hưởng đến du lịch của TP.HCM và các trung tâm du lịch lớn rất nặng nề vì phần đông thị trường khách của TP.HCM là khách quốc tế.
Về khách quốc tế, trong trường hợp Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế từ đầu quý 3/2020 thì cả năm có thể đạt 6 - 8 triệu khách. Nếu đón khách quốc tế từ đầu quý 4 thì lượng khách quốc tế cả năm có thể đạt 4,5 - 5 triệu khách.
Cũng trong cuộc họp, ông Khánh cho hay, hiện nay đã có Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan đề nghị sớm khôi phục lại đường bay. Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp nên Chính phủ đề nghị tiếp tục phát huy thị trường nội địa, thị trường quốc tế các doanh nghiệp lữ hành chủ động làm việc với đối tác nước ngoài. Từ đó, khi có quyết định chính thức sẽ có thể đón khách ngay mà không cần thêm thời gian chuẩn bị.
Hoàng Mai (tổng hợp)