Đề xuất công chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục
Ngày 17/9, Bộ LĐTBXH cho biết, cơ quan này đã hoàn thiện dự thảo phương án nghỉ tết Nguyên đán Ấn Tỵ 2025 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành.
Theo đó, thay vì đưa ra một số phương án nghỉ tết, lần này Bộ LĐTBXH chỉ đề xuất 1 phương án duy nhất.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 5 ngày theo quy định, trong đó nghỉ 2 ngày trước tết và 3 ngày sau tết.
Do lịch nghỉ tết năm nay rơi vào đầu tuần đến cuối tuần nên người lao động sẽ có thêm 4 ngày nghỉ cuối trước và sau 5 ngày nghỉ tết.
Cụ thể, công chức, viên chức nghỉ tết Nguyên đán năm 2025 từ thứ Bảy, ngày 25/1/2025 đến hết Chủ nhật, ngày 2/2/2025 (tức ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Với phương án này, dịp nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần).
Trước đó, dịp Tết nguyên đán các năm 2023 và 2024, người lao động đều được nghỉ 7 ngày. Như vậy, nếu phương án trên được thông qua, người lao động sẽ có một kỳ nghỉ tết nguyên đán dài hơn so với các năm trước 2 ngày.
Đi làm thêm ngày lễ, Tết lương thưởng được tính thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).
Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%).
Phần tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Trúc Chi (t/h)