Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đăng tải, chiều 12/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên thẩm định. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cùng dự phiên họp.
Bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, qua hơn 7 năm thi hành, Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, đối tượng tham gia BHXH tăng dần qua các năm, từ 13,06 triệu người tham gia năm 2016 lên đến gần 16,55 triệu người tham gia năm 2021 (tăng 26,72% so với năm 2016). Trong đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh từ khoảng 0,2 triệu người tham gia năm 2016 lên gần 1,45 triệu người tham gia năm 2021, chiếm 3,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 7,25 lần so với năm 2016); hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra “đến năm 2021 có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện” trong Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay;..
Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, dự án Luật BHXH lần này sẽ sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; hướng tới hoàn thiện quy định quản lý Nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác truyền thông các chính sách về bảo hiểm xã hội
Khẳng định Luật BHXH (sửa đổi) là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân, quốc hội và cử tri, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị bộ hồ sơ của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện, “gia cố” thêm nội dung Báo cáo Tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014, cụ thể, phải đánh giá tổng thể, khách quan, toàn diện các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài để có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, để thực hiện thành công chính sách BHXH đa tầng, linh hoạt, trên cơ sở mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW “Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”, cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm các chính sách quy định cấu thành các tầng của hệ thống này; nghiên cứu thêm lộ trình Ngân sách Nhà nước chi trả trợ cấp từ 80 tuổi trở lên thay bằng hỗ trợ một phần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong khi còn tuổi lao động.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết thêm, quy định về hưởng BHXH một lần theo Luật BHXH 2014 làm phát sinh một số hệ lụy, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân, vì vậy vị đại diện này nhất trí với việc sửa đổi theo Phương án 2 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, đồng thời đề xuất điều chỉnh Phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng, cụ thể “Có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian bảo lưu này không được tính cho lần hưởng BHXH một lần tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này”.
Về các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại diện Bộ Tài chính đánh giá, việc quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng đối với đối tượng đáp ứng điều kiện được hưởng mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/người/tháng là chưa phù hợp. Đồng chí đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội tùy theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác, theo đó, nên sửa đổi theo hướng chỉ quy định về điều kiện, chế độ đối với đối tượng trợ cấp hưu trí xã hội; mức chi cụ thể giao Chính phủ quy định.
Về chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đây là chính sách BHXH mới bổ sung tại dự thảo Luật BHXH lần này, tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ cách tính mức hưởng, thời gian hưởng chính sách này. Nếu mức hưởng không khác biệt lớn so với mức lương hưu, người lao động sẽ có xu hướng lựa chọn tham gia với thời gian vừa đủ để không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà được hưởng trợ cấp hàng tháng, và tiếp tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; do đó, sẽ không khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, đồng chí đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nghiên cứu kỹ chính sách này, đề xuất cụ thể cách tính mức hưởng, thời gian hưởng, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, không mâu thuẫn với chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và không tác động tiêu cực đến chính sách khuyến khích BHXH tự nguyện.
Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; cụ thể hóa được các quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHXH, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung. Thứ nhất, đối với quy định các mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (500.000 đồng/người/tháng) và mức trợ cấp mai táng (10.000.000 đồng) tại dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình căn cứ, cơ sở quy định mức trợ cấp trên; đồng thời đề xuất giao giao Chính phủ quy định mức trợ cấp này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, đối với quy định về Hội đồng quản lý BHXH và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, so với Luật BHXH năm 2014 (khoản 1 Điều 94), dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bỏ quy định trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và tư vấn chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Hội đồng quản lý BHXH; bỏ đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế ra khỏi Hội đồng quản lý BHXH; quy định Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ. Quy định như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có thể dẫn đến yêu cầu cần phải thành lập các Hội đồng quản lý về bảo hiểm thất nghiệp, Hội đồng quản lý về bảo hiểm y tế để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh quy định này.
Thứ ba, Thứ trưởng nhấn mạnh, BHXH một lần là chính sách lớn, là vấn đề phức tạp; việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án, quan điểm lựa chọn của mình và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với điểm đ khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật; đồng thời tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH một lần.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh một số nội dung khác như: lược bỏ các quy định thuộc pháp luật chuyên ngành như liên quan đến thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáo; rà soát, điều chỉnh các quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn; quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực BHXH; bổ sung các quy định đặc thù dành cho lực lượng vũ trang...
Tuệ Minh