Trong bài viết đăng tải trên một tờ báo, TS. Đinh Bá Khương (đại học Hoàng gia London) đã đề xuất các trường nên phân giảng viên thành hai ngạch, đó là giảng viên với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học (có tham gia giảng dạy nhưng số giờ được giảm thiểu), và ngạch còn lại sẽ chú trọng công tác giảng dạy (vẫn cần có tham gia nghiên cứu khoa học nhưng yêu cầu ít hơn), để tránh sự quá tải trong công việc. Đề xuất này đang thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục.
Ông Khương khẳng định: "Nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ chuyển biến, làm nền tảng xây dựng các trường đại học định hướng nghiên cứu khi chúng ta đổi mới cơ chế quản lý, phân ngạch cán bộ giảng viên".
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chính những người trong cuộc về vấn đề này.
Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Trần Lâm, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh cho rằng: “Thực tế đào tạo ĐH của Việt Nam hiện nay cũng rất lình xình. Nếu các trường ĐH có thể đi “thiên” một hướng được thì phân loại như thế là rất tốt. Tuy nhiên, thực tiễn nghiên cứu khoa học chưa là một vấn đề lớn trong các trường ĐH. Đó là cái rất dở.
Ở nước ngoài, thời lượng, thị phần do nghiên cứu khoa học tạo ra là rất lớn nhưng ở Việt Nam thì điều này lại rất kém. Đó là một thực tế đáng buồn chung của chúng ta. Đúng là nên tách bạch giảng viên ra làm 2 ngạch riêng. Nhưng trong bối cảnh chung của chúng ta hiện tại, tách bạch riêng hai ngạch giảng viên giảng dạy và nghiên cứu lại chẳng giải quyết được điều gì.
Mô hình phù hợp nhất của Việt Nam là một trường ĐH kết hợp được chức năng giảng dạy và làm công tác nghiên cứu khoa học. Chúng ta không thể tách bạch riêng mà các trường nên “nặng” về hướng nào hơn mà thôi.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu các trường công lập do Nhà nước đầu tư ngân sách mới thấy phần nào phân rõ tính thiên về nghiên cứu hay thiên về giảng dạy. Còn các trường dân lập và các trường top dưới hiện nay, họ làm công tác giảng dạy còn chưa xong chứ nói gì nghiên cứu khoa học”.
Thơm - Lan