Theo đó, dự thảo Nghị định này sẽ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng không được quy định tại dự thảo Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Dự kiến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ chia thành 5 nhóm:
Nhóm “Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin”.
Nhóm “Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Nhóm “Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng”.
Nhóm “Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng”.
Nhóm “Vi phạm về phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội”.
Đối tượng áp dụng sẽ bao gồm:
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hành vi vi phạm hành chính quy định tại dự thảo Nghị định này.
Tổ chức quy định tại trên bao gồm: Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp; Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư 2020; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Doanh nghiệp nước ngoài hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, dịch vụ cung cấp nội dung trên không gian mạng, công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên không gian mạng; Tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tên miền; Chủ quản hệ thống thông tin; Đơn vị vận hành hệ thống thông tin; Các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định pháp luật; Cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao; Tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam; Tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại dự thảo Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính.
Cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại dự thảo Nghị định này.
Đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống người khác sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng
Về hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật, xúc phạm, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 8 dự thảo Nghị định nêu rõ:
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: Làm ra thông tin có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm ra thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác…
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi: Phát tán thông tin có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Phát tán thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Phát tán thông tin ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Giả mạo trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc tài khoản, chuyên trang, hội, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử để đăng tải, hướng dẫn thực hiện việc làm ra, đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử, Giấy phép thiết lập mạng xã hội… từ 1-3 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện; Đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm.
Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc gỡ, xóa thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thâṭ, xuyên tac̣ nhằm xúc phaṃ, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm; Công khai xin lỗi; Buộc cải chính thông tin…
Còn về hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi:
Phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, tổ chức, thực hiện cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác nhằm chống phá Nhà nước, tiến hành các hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân…
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi: Làm ra thông tin có nội dung kêu gọi, tổ chức, thực hiện cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác nhằm chống phá Nhà nước, tiến hành các hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền…
Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với các hành vi: Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang…
Tuệ Minh