Đề xuất quy định "đi vắng 12 tháng" bị xoá hộ khẩu: "Đừng gây phiền cho dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, nhũng nhiễu"

Đề xuất quy định "đi vắng 12 tháng" bị xoá hộ khẩu: "Đừng gây phiền cho dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, nhũng nhiễu"

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 4, 26/02/2020 06:00

Bộ Công an đề xuất, nếu ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá tên trong hộ khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên chưa phù hợp.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo luật Cư trú năm 2020, nhằm thay thế luật Cư trú năm 2006, trong đó có việc xóa đăng ký thường trú.

Đáng chú ý, bộ Công an đề xuất, nếu ai vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú (xóa hộ khẩu).

Ngoài ra, việc “xóa hộ khẩu” còn áp dụng với những người như: Bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình; chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; người ra nước ngoài để định cư hoặc có thời gian xuất cảnh từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo…

Dự thảo cũng quy định chính quyền tạo điều kiện với những người bị xóa đăng ký thường trú được đăng ký lại khi trở về địa phương sinh sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo quy định trên chưa phù hợp.

Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) để ghi nhận quan điểm.

Góc nhìn luật gia - Đề xuất quy định 'đi vắng 12 tháng' bị xoá hộ khẩu: 'Đừng gây phiền cho dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, nhũng nhiễu'

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Thưa luật sư, trong dự thảo luật Cư trú, ông có đồng tình với đề xuất, nếu ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá hộ khẩu?

Tôi nghĩ rằng cần phải cân nhắc rất kỹ về đề xuất này.

Đối với những trường hợp như đi tù, đi học ở nước ngoài... khi quay lại nơi thường trú cũ thì quy định sẽ được nhập lại khẩu vì có giấy tờ nên dễ dàng hơn.

Nhưng ví dụ, trường hợp từ Bắc vào miền Nam thăm người nhà rồi xin việc... Làm được 1 năm lại mất việc và quay về địa phương thì mất khẩu, nếu muốn nhập lại khẩu khá phức tạp.

Theo như dự thảo quy định thì những trường hợp tương tự, khi quay về địa phương sẽ được nhập lại khẩu, tuy nhiên, trên thực tế thì không hề đơn giản, chắc chắn sẽ nhiêu khê.

Tức là quy định này sẽ “làm khó” cho người dân? Luật sư có thể lấy thêm dẫn chứng về những tình huống phát sinh?

Tôi lấy ví dụ, nếu một người vắng nhà trên 12 tháng và đã bị cắt khẩu trong gia đình, nhưng lúc này gia đình họ lại đang làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc chuyển nhượng tài sản mà liên quan đến người đó và cần hộ khẩu thì lúc này lại gây phiền nhiễu cho dân…

Như vậy, quy định “vắng nhà 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị cắt khẩu” là không phù hợp?   

Cơ quan đề xuất cần phải lý giải mục đích của việc xoá khẩu này là gì? Nếu vì ý thức người dân khi đi khỏi địa phương không khai báo tạm vắng và khi đến nơi mới không khai báo tạm trú… thì xử phạt hành chính là đủ. Và thực tế, hành vi này đã bị xử phạt hành chính theo quy định rồi.

Cho nên, phải làm rõ cơ sở khoa học của việc xoá hộ khẩu thường trú là gì thì mới quy định xoá? Còn vì mục đích quản lý để đảm bảo an ninh trật tự thì đã có quy định đăng ký tạm trú, tạm vắng rồi; nếu xoá khẩu lại càng gây phức tạp cho việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Theo ông, chỉ nên xóa hộ khẩu trong những trường hợp như thế nào?

Chỉ nên xoá hay còn được gọi là đương nhiên xoá với các trường hợp như: chết; mất tích (bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết); nhập quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đã được nước ngoài cấp đăng ký cư trú…

Còn quy định như dự thảo luật Cư trú năm 2020 là “vẽ” thêm việc, gây phiền phức cho dân; tạo cơ sở cho tiêu cực, nhũng nhiễu trong lĩnh vực quản lý cư trú.

Chính vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh là cần làm rõ mục đích của việc “xoá rồi lại nhập” này là gì?

Góc nhìn luật gia - Đề xuất quy định 'đi vắng 12 tháng' bị xoá hộ khẩu: 'Đừng gây phiền cho dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, nhũng nhiễu'  (Hình 2).

Sổ hộ khẩu (ảnh minh họa).

Thực tế hiện nay thế này, ví dụ, con tôi đang làm ăn bên Đức, vẫn mang quốc tịch Việt Nam, nhưng do đi quá 12 tháng nên bị cắt khẩu.

Tuy nhiên, khi con tôi về chơi, thăm nhà và bố mẹ muốn cho con nhà đất, lúc này mới cực kỳ nhiêu khê, không biết phải làm thế nào… Bởi vì, con tôi đã bị cắt khẩu, không có hộ khẩu để làm thủ tục sang tên và lúc đó mới lại đi làm khẩu…

Tóm lại là đừng vì khó khăn trong việc quản lý dân cư thì lại quy định “cắt, xóa khẩu”, gây phiền hà cho người dân và tạo tiền đề cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Vậy theo luật sư, muốn quản lý tốt việc cư trú của người dân, cần tập trung vào những vấn đề gì?

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân chấp hành tốt việc khai báo tạm trú, tạm vắng.

Thứ hai, phải xử phạt nghiêm minh đối với người cố tình vi phạm.

Thứ ba, cơ quan công an cần áp dụng khoa học công nghệ, liên thông, nối mạng trong toàn bộ hệ thống.

Nếu cứ xoá với cắt khẩu mà không áp dụng khoa học, công nghệ vào công tác quản lý dân cư thì cũng chẳng có tác dụng mà ngược lại càng gây phiền phức cho người dân.

Xin cảm ơn luật sư!

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.