Bộ Giao thông vận tải cho biết, những nội dung quy định trong Thông tư 31/2018/TT-BGTVT về nội dung, quy trình đánh giá an toàn hệ thống đã được chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức tư vấn thực hiện theo đúng các quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế về đánh giá an toàn độc lập các tuyến đường sắt đô thị, tuy nhiên các nội dung quy định về trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống được giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì thực hiện vẫn còn một số bất cập trong quá trình triển khai, vì các lý do sau:
Qua xem xét đề cương đánh giá, chứng nhận và một số báo cáo đánh giá tuyến đường sắt đô thị của tổ chức chứng nhận, nhận thấy trong đề cương và báo cáo đánh giá có nhiều nội dung liên quan đến công trình xây dựng, đường ray, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, công tác đào tạo, vận hành… Các nội dung đánh giá trong các báo cáo này thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau, do đó cần có sự phối hợp giữa các đơn vị để thực hiện công tác thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống. Trách nhiệm của các đơn vị phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng, do đó chưa thể tiến hành các nhiệm vụ thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống phù hợp với các quy định của Thông tư.
Ngoài ra, do đường sắt đô thị là một hệ thống tổng thể tích hợp, bao gồm nhiều hệ thống con cùng vận hành với nhau (hệ thống tín hiệu, thông tin liên lạc, điều khiển...), có tính chất khác biệt hoàn toàn với đường sắt quốc gia. Mỗi một đoàn tàu chỉ được vận hành trên hệ thống thiết kế riêng biệt, đoàn tàu chỉ chạy được khi các hệ thống liên quan hoàn thiện. Từ đó đòi hỏi quá trình đăng kiểm, kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của đoàn tàu cũng cần phải được thực hiện kết hợp với quá trình đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Dẫn đến cần phải quy định kết hợp song song giữa quá trình đăng kiểm trong Thông tư 29/2018/TT-BGTVT và quá trình đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống này trong Thông tư 31/2018/TT-BGTVT.
Mặt khác, do một số dự án đường sắt đô thị đã lắp đặt hệ thống trước ngày Luật Đường sắt có hiệu lực (1/7/2018), do đó cần phải bổ sung quy định chuyển tiếp khi thực hiện Thông tư 31/2018/TT-BGTVT. Các dự án này vẫn tiếp tục cần thực hiện việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo các nội dung hợp đồng đã được ký kết, nhằm đảm bảo kiểm soát được các rủi ro và đánh giá được mức độ an toàn của hệ thống.
Với những lý do nêu trên, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và Thông tư số 31/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị là cần thiết và phù hợp để có thể triển khai quy định tại Điều 77 của Luật Đường sắt 2017.
Theo Tuệ Văn/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ