Đề xuất quy định mới về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Đề xuất quy định mới về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 29/11/2023 10:26

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Dự thảo quy định rõ về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Theo đó, nhà thầu tham dự thầu gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó, bao gồm: lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design - thiết kế FEED); thẩm định giá; giám sát thực hiện hợp đồng, kiểm định; lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu; dịch vụ tư vấn liên quan trực tiếp tới gói thầu gồm tư vấn quản lý dự án, quản lý hợp đồng, tư vấn khác.

Nhà thầu tham dự thầu gói thầu tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó, bao gồm: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà thầu; dịch vụ tư vấn liên quan trực tiếp tới gói thầu, gồm tư vấn quản lý dự án, quản lý hợp đồng và tư vấn khác.

Nhà thầu tham dự gói thầu EPC, EP, EC phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu lập, thẩm tra, thiết kế FEED; Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp không lập thiết kế FEED; Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật trong trường hợp không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không lập thiết kế FEED theo quy định của pháp luật về xây dựng; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, tư vấn quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc do chủ đầu tư, bên mời thầu thuê.

Nhà thầu tham dự gói thầu chìa khóa trao tay phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với: Nhà thầu lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, tư vấn quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc do chủ đầu tư, bên mời thầu thuê; Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; nhà thầu tư vấn khác tham gia trực tiếp trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Theo dự thảo, cách tính ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước đến dưới 50% và không có hàng hóa nào có chi phí sản xuất trong nước từ 50% trở lên như sau:

Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;

Trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá, hàng hóa không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa đó vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu để so sánh, xếp hạng;

Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp theo công thức sau đây:

Điểm ưu đãi = 7,5% x (giá hàng hóa ưu đãi/giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ giá trị giảm giá) x điểm tổng hợp

Trong đó: Giá hàng hóa ưu đãi là giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của hàng hóa thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi;

Nhà thầu chào hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước dưới 50% mà cơ sở sản xuất có từ 50% lao động có hợp đồng lao động với thời gian thực hiện hợp đồng từ 03 tháng trở lên, đến thời điểm đóng thầu hợp đồng vẫn còn hiệu lực là người khuyết tật, thương binh, dân tộc thiểu số thì đối với điểm a, điểm b được hưởng hệ số ưu đãi 10% thay cho hệ số ưu đãi 7,5%, đối với điểm c được hưởng hệ số ưu đãi 10% thay cho hệ số ưu đãi 7,5%.

Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Dự thảo đề xuất chi phí lập, thẩm định hồ sơ như sau: Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng; Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng; Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Đối với các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc cùng một chủ đầu tư hoặc dự án, dự toán mua sắm, các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa là 50% mức chi phí quy định.

Theo dự thảo, chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị như sau: Giá dự thầu dưới 50 tỷ đồng, tỷ lệ 0,04% nhưng tối thiểu 5 triệu đồng; Giá dự thầu từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng, tỷ lệ 0,035% nhưng tối thiểu là 20 triệu đồng; Giá dự thầu từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, tỷ lệ 0,025% nhưng tối thiểu là 35 triệu đồng; Giá dự thầu từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ 0,02% nhưng tối thiểu là 50 triệu đồng và tối đa là 80 triệu đồng.

Về hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị: Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là đúng, các tổ chức, cá nhân liên đới có trách nhiệm chi trả cho nhà thầu có kiến nghị số tiền bằng chi phí giải quyết kiến nghị mà nhà thầu có kiến nghị đã nộp.

Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng, nhà thầu không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị.

Chi phí trong lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Chi phí nộp hồ sơ dự thầu; chi phí nộp hồ sơ đề xuất; Chi phí nhà thầu trúng thầu; Chi phí ký kết và sử dụng hợp đồng điện tử.

Đối với đấu thầu quốc tế, căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định mức tiền nhà thầu phải nộp để mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về chi phí công khai thông tin đối với lựa chọn nhà thầu trên Báo Đấu thầu, chi phí trong lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.