Theo dự thảo, đơn vị vận tải phải lựa chọn phương tiện phù hợp với loại hàng hóa và khối lượng hàng hoá cần vận chuyển.
Đơn vị vận tải, người xếp hàng và lái xe phải thực hiện việc xếp hàng lên xe để vận chuyển không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, không xếp lệch về một phía và chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch, rơi vãi không gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của xe hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển xe; không được che khuất đèn, biển số đăng ký của xe.
Các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Các loại hàng hóa là thành phẩm (không phải hàng hóa ở dạng thô) đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối, việc xếp hàng hóa trên phương tiện ưu tiên thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đơn vị vận tải và lái xe sử dụng xe ô tô chở hàng chuyên dùng (xe ô tô tải chuyên dùng hoặc xe ô tô chuyên dùng), sơ mi rơ moóc chuyên dùng, rơ moóc chuyên dùng phải chở đúng loại hàng hoá theo thiết kế phương tiện của nhà sản xuất.
Quy định xếp hàng rời
Dự thảo nêu rõ, khi vận chuyển hàng rời, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng xe ô tô tải/rơ mooc/sơmi rơ mooc có thùng.
Trường hợp vận chuyển hàng rời trên phương tiện không có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để đóng gói hoặc che kín hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển.
Trường hợp vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải trên phương tiện có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải che đậy kín, không để rơi vãi xuống đường hoặc gây ra tiếng ồn, bụi bẩn trong suốt quá trình vận chuyển trên đường và chiều cao tối đa của hàng phải thấp hơn mép trên thành thùng xe.
Quy định xếp hàng bao kiện
Theo dự thảo, các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng có xu hướng nghiêng một góc nhỏ xếp vào giữa đống hàng.
Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng xe thì phải gia cố để cố định hàng hóa.
Quy định xếp hàng dạng trụ
Hàng hóa hình trụ ống được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài xe tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng xe. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài xe.
Khi chiều cao của ống trụ nhỏ hơn đường kính, ống trụ phải được đặt thẳng đứng hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dự thảo nêu rõ, các loại hàng trụ ống phải được chằng buộc chắc chắn vào thành xe và sử dụng giá kê, giá đỡ, dụng cụ chèn, lót để cố định tránh dịch chuyển hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Trường hợp hàng trụ ống có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.
Quy định xếp hàng vào container và xếp container trên phương tiện
Theo dự thảo, xếp hàng vào công-ten-nơ đảm bảo các yêu cầu sau: Container phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa để xếp hàng; chèn, lót để hàng hóa trong container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; khối lượng sử dụng lớn nhất của container và hàng hóa trong đó thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn ISO 668 về phân loại, kích thước và khối lượng danh định.
Khi vận chuyển container phải sử dụng tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển container phù hợp với loại container.
Sử dụng các thiết bị để định vị container với phương tiện, đảm bảo container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Mức phạt áp dụng đối với người điều khiển ô tô chở hàng cồng kềnh
Đối với các xe chở hàng hóa không chằng buộc để rơi xuống đường, Điều 24 Mục 5 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ, cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng nếu vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Trong trường hợp gây va chạm, tai nạn giao thông, nếu có đủ căn cứ, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội "vi phạm qui định tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, trong trường hợp người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của luật giao thông đường bộ, không được coi thường, chủ quan, thường xuyên theo dõi mức độ an toàn của các mặt hàng chuyên chở trên xe, đồng thời những người tham gia giao thông khác cũng chủ động giám sát và thông báo kịp thời cho người lái xe nếu thấy có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, tránh tối đa thiệt hại do các vụ va chạm giao thông trong tình huống bất ngờ.
Tuệ Minh