Phát huy các giá trị di sản văn hóa
Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Tham gia đóng góp ý kiến nội dung này, đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cho biết, theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế.
"Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ví dụ như di tích Đồng Dương ở Quảng Nam đang trong tình trạng khẩn cấp và cần nguồn lực để khôi phục", đại biểu chia sẻ.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đất nước.
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.
Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
ĐBQH Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, thời gian vừa qua ,các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực như: Điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, định mức thuê chuyên gia, nghệ nhân tham gia nghiên cứu và biểu diễn…
Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch; chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể…
Những hạn chế trên đã làm cho các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý và hoạt động chuyên môn.
Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung trong dự thảo luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn kịp thời đáp ứng các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cần quy định riêng về mô hình quản lý đối với di sản đô thị
Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết, tại khoản 2 Điều 3 quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng quy định về di sản văn hóa vật thể, bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận.
Các di sản này không chỉ phải đáp ứng tiêu chí trong dự thảo luật, mà còn phải đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định riêng về cơ chế riêng để quản lý.
Theo ông Dương Văn Phước, đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam.
Đây là "bảo tàng sống", có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An.
Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
"Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó đề nghị cần có cơ chế quản lý riêng", ông Phước nói.
Về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ, đại biểu cho rằng Dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân.
Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích.
Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.