Đề xuất quy định về khám chữa bệnh từ xa

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 7, 04/06/2022 07:11

Bộ Y tế đề xuất quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do dịch bệnh Covid-19.

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do dịch bệnh Covid-19.

Thông tư này áp dụng đối với trường hợp người bệnh Covid-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do dịch bệnh Covid-19 như là người bệnh đang trong thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế; Người bệnh đang sinh sống, làm việc trong khu vực bị phong tỏa; Người bệnh không thể tiếp cận được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị trực tiếp theo lịch hẹn do tình trạng quá tải hoặc do yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên; Người bệnh có tình trạng bệnh lý khó chẩn đoán, điều trị, vượt khả năng của khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp nhưng không thể tiếp cận với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do các ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; Người bệnh có tình trạng bệnh lý khó chẩn đoán, điều trị, vượt khả năng của khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp; Người bệnh có nguyện vọng được thầy thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo yêu cầu và một số trường hợp khác.

Yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Theo Điều 2 dự thảo Thông tư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ thông tin phải đáp ứng đầy đủ quy định tại Điều 4 của Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa.

Thứ hai, các cơ sở sử dụng hệ thống công nghệ thông tin chuyên dụng để quản lý, trao đổi thông tin về người bệnh và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Người sử dụng, vận hành hệ thống công nghệ thông tin chuyên dụng phải được đào tạo, tập huấn về sử dụng, vận hành.

Thứ ba, có hợp đồng, thỏa thuận giữa các cơ sở trước khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa (mẫu hợp đồng thực hiện dựa theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này), trên cơ sở mẫu hợp đồng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều chỉnh nội dung hợp đồng cho phù hợp.

Thứ tư, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải được thực hiện bởi người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với người bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.

Thứ năm, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa vào các cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định, thực hiện phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Người hành nghề và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thực hiện khám, chữa bệnh phải cung cấp thông tin lâm sàng, cận lâm sàng chính xác và chịu trách nhiệm liên đới.

Thứ sáu, thực hiện việc kê đơn điện tử theo Thông tư 27/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Thứ bảy, trong trường hợp khám bệnh, chữa bệnh từ xa nếu không đạt yêu cầu về chất lượng chuyên môn thì sẽ dừng khám bệnh, chữa bệnh từ xa để chuyển sang phương thức khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp.

Quy định về thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận, phân loại người bệnh, nhận định về tình trạng bệnh, lập danh sách để liên hệ, thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa phù hợp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chuẩn bị thông tin về tiền sử bệnh tật, hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cử bác sỹ có chuyên môn phù hợp để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh, ra chỉ định điều trị, kê đơn thuốc. Trường hợp cần phải can thiệp, phẫu thuật ngoại khoa, thủ thuật, bác sỹ thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện, trường hợp vượt quá khả năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thì chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khác để thực hiện.

Việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, thực hiện kê đơn thuốc theo quy trình tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc bảo hiểm y tế thì bác sỹ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp kê đơn theo sự tư vấn của bác sỹ của cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc tự mua ngoài danh mục thuốc bảo hiểm y tế thì thực hiện theo 2 bước sau:

Bước 1, các cơ sở thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa triển khai liên thông kết nối đơn thuốc điện tử được kê từ hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) với hệ thống thông tin quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (sau đây gọi tắt là Đơn thuốc quốc gia) của Bộ Y tế theo Thông tư 27/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế và Quyết định số 2113/QĐ-BYT ngày 20 tháng 5 năm 2020 về việc triển khai thí điểm Hệ thống thông tin quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Bước 2, đơn thuốc đã kê sẽ gửi về hệ thống Đơn thuốc quốc gia và được chia sẻ tới người bệnh thông qua mã đơn thuốc. Người bệnh có thể sử dụng mã đơn thuốc do bác sỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh cung cấp để tra cứu đơn thuốc của mình trên trang thông tin điện tử: https://donthuocquocgia.vn

Trong đó, quy trình kê đơn thuốc điện tử từ xa và cấp, bán thuốc cho người bệnh như sau:

Phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) liên thông gửi đơn thuốc đã kê tới hệ thống Đơn thuốc quốc gia. Bác sỹ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa thực hiện việc kê đơn thuốc sau khi chẩn đoán và kết luận bệnh lý, đơn thuốc được lập từ phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) của cơ sở tuyến trên và do bác sỹ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa chịu trách nhiệm sẽ liên thông gửi tới hệ thống Đơn thuốc quốc gia. Mỗi đơn thuốc được lập sẽ có một mã đơn thuốc 12 ký tự riêng không trùng lắp; Bác sỹ cung cấp mã đơn thuốc cho người bệnh thông qua việc khám chữa bệnh trực tuyến từ xa.

Người bệnh lưu giữ mã đơn thuốc của mình và có thể tra cứu đơn thuốc trên trang thông tin điện tử: https://donthuocquocgia.vn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Tại cơ sở cung ứng thuốc người bệnh cung cấp mã đơn thuốc của mình cho cơ sở. Cơ sở cung ứng thuốc tra cứu đơn thuốc từ hệ thống Đơn thuốc quốc gia để thực hiện hoạt động cấp, bán thuốc.

Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Theo dự thảo, giá khám bệnh: áp dụng mức giá khám bệnh hiện hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, chế phẩm máu, vật tư y tế: áp dụng mức giá hiện hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp.

Về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuộc phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Đối với chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bệnh phải tự chi trả.

Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định; Chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác khi người bệnh Covid -19 đi khám bệnh, chữa bệnh nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid -19 và chi phí khám bệnh, chữa bệnh khác; Chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà người bệnh phải trả theo quy định nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu được do nguyên nhân bất khả kháng quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thực hiện thu tiền khám bệnh, chữa bệnh hoặc thanh toán với cơ quan bảo hiểm y tế đối với người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại cơ sở.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Trong thời gian 10 ngày làm việc của tháng sau, căn cứ vào số lượt khám bệnh, chữa bệnh từ xa thực hiện trong tháng trước, hai bên ký biên bản nghiệm thu để làm cơ sở thanh toán theo quy định.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.