Ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng tải "Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh" để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
NHNN cho biết, mục đích soạn thảo Thông tư nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ, có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay đảm bảo các hạn mức, giới hạn vay nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm song vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.
Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp (DN), tổ chức tín dụng (TCTD) có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; việc đảm bảo minh bạch chính sách cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định.
Từng bước áp dụng các biện pháp quản lý vay trả nợ nước ngoài hướng tới mục tiêu quản trị rủi ro, an toàn thận trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Với mục đích xây dựng Thông tư như trên, Dự thảo Thông tư tập trung xây dựng điều kiện áp dụng chung cho các bên đi vay và điều kiện riêng đối với hai nhóm đối tượng đi vay là TCTD và DN không phải tổ chức tín dụng.
Đối với điều kiện chung: Áp dụng trần chi phí vay nước ngoài; yêu cầu bên đi vay thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ để đảm bảo rủi ro tỷ giá; yêu cầu bên đi vay lựa chọn tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức là pháp nhân thành lập tại Việt Nam trong trường hợp khoản vay nước ngoài có tài sản đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam (có trường hợp ngoại trừ).
Về điều kiện riêng: Từng nhóm đối tượng vay (TCTD và DN không phải TCTD) phải đáp ứng điều kiện riêng tương ứng gồm mục đích vay; giới hạn các mức vay nước ngoài (ngắn và trung hạn) và tỉ lệ đảm bảo an toàn áp dụng với nhóm TCTD.
Hiện nay, Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định nguyên tắc khi cần thiết, Thống đốc NHNN quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài; quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ. Thực tế, thời gian qua, NHNN chưa sử dụng biện pháp quy định trần chi phí vay.
Do đó, NHNN đề xuất quy định mức trần chi phí vay chia theo đồng tiền vay là đồng Việt Nam và ngoại tệ để đảm bảo phản ánh sát hơn mặt bằng chi phí vay của từng đồng tiền vay.
Đối với chi phí vay bằng ngoại tệ, thực tế cách tính lãi suất vay rất đa dạng, do đó, NHNN đặt ra trần chi phí phân theo tiêu chí khoản vay có sử dụng lãi suất tham chiếu hoặc không sử dụng lãi suất tham chiếu để bao quát cơ bản các cách thức tính lãi suất hiện nay.
Đối với các khoản vay sử dụng lãi suất tham chiếu, Dự thảo Thông tư đề xuất trần chi phí vay đối với khoản vay bằng ngoại tệ sử dụng lãi suất tham chiếu ở các mức cao so với số liệu thống kê lịch sử (lãi suất tham chiếu + 5%/năm) + khoảng 3%/năm cho các loại phí, tương đương mức lãi suất tham chiếu + 8%/năm.
Đối với các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu, việc chọn lãi suất "SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do tổ chức CME công bố" để tính toán mức trần chi phí cho những khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu công bố rộng rãi là phù hợp do: Lãi suất SOFR Term được tổ chức CME công bố là các mức lãi suất có kỳ hạn được tính toán dựa trên lãi suất SOFR do FED New York công bố và được chính Ủy ban thay thế lãi suất tham chiếu (ACCR) thuộc FED New York khuyến nghị sử dụng, do đó, sử dụng mức này đảm bảo mức trần chi phí đó bám sát biến động lãi suất trên thị trường quốc tế; tránh việc đặt ra mức cố định mang tính chất "áp đặt" về chi phí mà không có tính thị trường; hạn chế việc phải sửa đổi Thông tư khi có biến động lãi suất lớn trên thị trưởng.
Đối với chi phí vay bằng đồng Việt Nam, Dự thảo Thông tư đặt mức trần trên cơ sở tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng với biên độ 8%/năm. Trái phiếu chính phủ (TPCP) là công cụ nợ có rủi ro rất thấp, tính ổn định cao; lãi suất TPCP phản ánh chi phí vay của Chính phủ (đối tượng gần như không có rủi ro tín dụng), do đó có thể sử dụng như lãi suất tham chiếu để tính mức trần chi phí.
Dự thảo Thông tư lựa chọn tham chiếu đến lãi suất TPCP trúng thầu (lãi suất thực hiện đối với TPCP phát hành lần đầu - thị trường sơ cấp) là lãi suất phản ánh sát hơn mức giá trái phiếu mà bên mua sẵn sàng mua; và mức tham chiếu tại kỳ hạn 10 năm là loại TPCP được giao dịch thường xuyên với khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn, có tính đại diện cho lãi suất TPCP nói chung và thuận tiện cho việc tra cứu.
Đặc biệt, tại dự thảo, NHNN đã bổ sung quy định mới về yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ.
Quy định này muốn hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro ngoại tệ cho các bên đi vay, hạn chế tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ của NHNN.
Theo NHNN, qua thực tiễn quản lý hoạt động vay trả nợ nước ngoài tự vay tự trả, hiện nay, trung bình khoảng trên 2.200 khoản vay trung dài hạn. Kỳ hạn trả nợ của từng khoản vay có thể theo tháng, quý, 6 tháng, năm, vào ngày đáo hạn hoặc một kế hoạch cụ thể theo thỏa thuận giữa các bên. Giá trị trả nợ cũng rất đa dạng, theo tỉ lệ kim ngạch vay hoặc giá trị bất kỳ theo khả năng thu xếp vốn của bên đi vay.
Do đó, việc xác định các mốc giá trị tối thiểu để lọc các giao dịch trả nợ với giá trị lớn, có khả năng ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ là cần thiết, tránh phát sinh quá nhiều giao dịch phái sinh cho DN.
Theo đó, tại Điều 10 của Dự thảo Thông tư này quy định bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ theo các nguyên tắc sau:
Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài có kim ngạch vay trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện trước hoặc vào thời điểm rút vốn của khoản vay; giá trị giao dịch tối thiểu bằng 30% giá trị rút vốn; thời hạn giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ của khoản vay ngắn hạn nước ngoài.
Đối với khoản vay nước ngoài trung dài hạn, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện tối thiểu 3 tháng trước ngày trả nợ gốc; giá trị của giao dịch tối thiểu bằng 30% số tiền trả nợ gốc; thời hạn của giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ gốc của khoản vay trung dài hạn nước ngoài.
Yêu cầu thực hiện phái sinh ngoại tệ không áp dụng với bên đi vay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật hiện hành; bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư này còn quy định về giới hạn vay nước ngoài, tỉ lệ đảm bảo an toàn, mục đích vay nước ngoài…
Tuệ Minh