Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chương trình thưởng cổ phiếu

Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chương trình thưởng cổ phiếu

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 2, 25/12/2023 14:00

Để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Ngân Hàng Nhà Nước đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chương trình thưởng cổ phiếu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

NHNN cho biết, Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (Thông tư 10) được ban hành ngày 29/6/2016 trên cơ sở quy định tại các nguồn luật như Pháp lệnh Ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung), Nghị định 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (Nghị định 135) đã góp phần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ để các nhà đầu tư và các đối tượng liên quan triển khai thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; đồng thời tăng cường vai trò quản lý, giám sát của NHNN đối với hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế, cá nhân người lao động có quốc tịch Việt Nam tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài (Chương trình thưởng cổ phiếu).

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, việc các tổ chức nước ngoài được thực hiện các chương trình thưởng cổ phiếu cho người lao động có quốc tịch Việt Nam đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người lao động; thúc đẩy sự gắn kết giữa người lao động và tổ chức thực hiện chương trình, khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, tạo thuận lợi thu hút dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua chương trình thưởng cổ phiếu; giúp đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số nội dung quy định tại Thông tư 10 liên quan đến việc tham gia chương trình thưởng cổ phiếu còn chưa rõ ràng, đồng thời phát sinh một số vướng mắc.

Do đó, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như định hướng quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Nghị định 135; thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm bớt chi phí, thời gian cho tổ chức thực hiện chương trình nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước trong tình hình hiện nay, cần phải chỉnh sửa Thông tư 10.

Sửa đổi các quy định đang được áp dụng để phù hợp với thực tế phát sinh

Khoản 3 Điều 3 Thông tư 10 quy định: “Tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài” là hiện diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam… Tuy nhiên, thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, Vụ QLNH nhận thấy: Các chương trình thưởng cổ phiếu của Tổ chức nước ngoài thường dành cho các công ty con và công ty liên kết thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của tổ chức nước ngoài. Như vậy, khái niệm hiện diện của tổ chức nước ngoài tại Việt nam như quy định nêu trên là chưa đầy đủ.

Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh, khái niệm “Tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài” tại Điều 3 Thông tư 10 sẽ được sửa đổi thành: “Tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài là hiện diện tại Việt Nam thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của tổ chức nước ngoài…

Thông tư 10 chưa có quy định về nguyên tắc thực hiện liên quan đến mục đích của chương trình thưởng cổ phiếu. Trong quá trình thực hiện xem xét, xác nhận các hồ sơ đăng ký cho thấy, một số chương trình thưởng cổ phiếu thưởng có mục đích để tăng vốn cho tổ chức nước ngoài, mang tính chất hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của cá nhân, không nhằm mục đích thưởng để khuyến khích và gắn kết người lao động có đóng góp tích cực và gắn bó lâu dài với tổ chức thực hiện chương trình.

Do đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định nguyên tắc người lao động được/không được tham gia các chương trình thưởng cổ phiếu cụ thể: Người lao động được tham gia các chương trình thưởng cổ phiếu có mục đích nhằm động viên, khuyến khích và gắn kết người lao động…Người lao động không được tham gia các chương trình thưởng cổ phiếu có mục đích, tính chất là khoản đầu tư ra nước ngoài nhằm chào bán cổ phần để tăng vốn, hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức nước ngoài.

Đồng thời, chuyển quy định về “Trách nhiệm của tổ chức thực hiện chương trình liên quan đến việc xử lý cổ phiếu thưởng cho người lao động trong trường hợp chấm dứt hoạt động tại Việt Nam” tại khoản 4 Điều 11 thành khoản 5 Điều 8 Thông tư 10 để đảm bảo thống nhất quy định vào 1 Điều khoản các nội dung liên quan nguyên tắc thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu.

Điều 9 Thông tư 10 quy định, hình thức thưởng cổ phiếu gồm: (1) Thưởng trực tiếp bằng cổ phiếu; và (2) Thưởng quyền mua cổ phiếu với điều kiện ưu đãi. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cho thấy: (i) Việc quy định hình thức thưởng bằng “Quyền mua cổ phiếu với điều kiện ưu đãi” là chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để xác định điều kiện ưu đãi dành cho người lao động; và (ii) Theo báo cáo tại hồ sơ đăng ký, một số chương trình có cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổ chức nước ngoài tự xác định giá thị trường của cổ phiếu ở mức cao, tự xác định/thay đổi điều kiện ưu đãi đối với người mua cổ phiếu thưởng.

Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (ĐTGTRNN) là hoạt động phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó Nghị định 135 được ban hành theo nguyên tắc không khuyến khích, quản lý chặt chẽ, thận trọng nhằm hạn chế rủi ro đối với hoạt động này, theo đó: (i) Chỉ cho phép một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm được tự doanh/nhận ủy thác ĐTGTRNN trên cơ sở đáp ứng các điều kiện và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; (ii) Các tổ chức kinh tế khác (ngoài đối tượng trên) chỉ được phép ĐTGTRNN thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư ở trong nước, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc và điều kiện để được ủy thác ĐTGTRNN; và (iii) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được ĐTGTRNN thông qua việc tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài theo quy định của NHNN...

Thực tế việc cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài để mua cổ phiếu thưởng là hoạt động ĐTGTRNN của cá nhân. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với định hướng quản lý chặt chẽ hoạt động ĐTGTRNN tại Nghị định 135, hình thức thưởng “Thưởng quyền mua cổ phiếu với điều kiện ưu đãi” này cần được chỉnh sửa theo hướng không có dòng tiền chuyển ra nước ngoài.

Do đó, hình thức thưởng cổ phiếu tại Điều 9 Thông tư 10 sẽ được sửa đổi thành: (i) Thưởng trực tiếp bằng cổ phiếu; và (ii) Thưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với điều kiện ưu đãi không phát sinh dòng tiền ra nước ngoài.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.