Hơn 200 dự án ách tắc
Ngày 15/9/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6505/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 theo kiến nghị từ chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đã có Công văn số 6278/BKHĐT-PC gửi Bộ Tư pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6505.
Trong đó có nội dung Bộ KH&ĐT đưa ra ý kiến về việc sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 - quy định có tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng công nhận chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc sửa đổi quy định này của Luật Đầu tư 2020 theo đánh giá của Bộ sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo lập nguồn cung dồi dào các dự án nhà ở thương mại, sản phẩm nhà ở, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư...
Chính sách mới này cũng không làm phát sinh mới thủ tục hành chính, không yêu cầu phải sửa đổi các quy định của Luật Đất đai liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, Luật Đấu thầu liên quan đến đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo Bộ KH&ĐT, tại Hà Nội đã có 82 dự án nhà ở, Tp.HCM có 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc bởi quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020.
Nếu đề xuất sửa đổi được thông qua, sẽ gỡ nút thắt lớn cho các dự án nhà ở thương mại khi các doanh nghiệp chỉ cần sở hữu quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chứ không cần phải có nguồn gốc đất ở hoặc một phần đất ở sẽ được công nhận chủ đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thêm.
Sửa đổi, bổ sung nhằm đồng bộ giữa các luật
Trao đổi với Người Đưa Tin, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM - ông Lê Hoàng Châu nhận định, điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở 2014) đang cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người mua nhà và làm sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Ngày 19/9, HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về việc đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.
Theo đó, HoREA cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư và không làm phát sinh thêm “đầu luật mới” và tháo gỡ ngay các khó khăn cho loạt doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch Covid-19.
Ông Châu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ ngay các khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án.
Giai đoạn 2015-2020, Luật Nhà ở chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với một trường hợp duy nhất là nhà đầu tư có 100% đất ở. "Điều này dẫn tới nguồn cung dự án sụt giảm rất lớn, ngân sách Nhà nước bị thất thu cả về thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", Chủ tịch HoREA nhận định.
Trong khi đó, từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực đã “nới lỏng” thêm việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cho thêm trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác”, nên vẫn còn “bỏ sót” các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, thì vẫn không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Theo HoREA, chỉ khoảng 5% các dự án nhà ở thương mại có 100% đất ở (tức là cứ 100 dự án mới có được 5 dự án không dính vào đất chuyển đổi mục đích sử dụng); có khoảng trên dưới 80 dự án có đất ở và các loại đất khác và có khoảng trên dưới 10 dự án có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng lại thường là các dự án lớn.
Hiệp hội nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các điều luật cho phù hợp, thống nhất sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, từ đó làm tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, đồng thời giúp kéo giảm giá nhà để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững và tạo điều kiện cho người tiêu dùng tạo lập được nhà ở với giá cả hợp lý.