Đề xuất tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT: Đổ thêm dầu vào lửa!

Đề xuất tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT: Đổ thêm dầu vào lửa!

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 4, 20/09/2017 07:00

Giữa những lùm xùm tại các “điểm nóng” BOT trên khắp cả nước, giữa hàng loạt báo cáo của Thanh tra Chính phủ khẳng định 100% các dự án BOT chỉ định thầu, một đề xuất “lạ lùng” vừa được bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra như “đổ thêm dầu vào lửa”.

14% vẫn còn thấp?

Mới đây, bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư dự án BOT từ 12% lên 14% để thu hút được các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các dự án cao tốc Bắc – Nam.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Lợi nhuận của nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT giai đoạn 2011-2015 được xây dựng căn cứ theo quy định của Thông tư 166/2011 của bộ Tài chính. Theo đó, lợi nhuận được khống chế ở mức 11-12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu và không được tính lãi trong thời gian xây dựng”.

Đầu tư - Đề xuất tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT:  Đổ thêm dầu vào lửa!

Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mức lợi nhuận 14% trên tổng vốn chủ sở hữu vẫn còn thấp so với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về cơ sở lựa chọn con số 14%, Thứ trưởng Đông cho hay, Bộ dựa trên con số thống kê của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức lợi nhuận trung bình của hơn 200 doanh nghiệp trên cả nước là khoảng 13,5%. “Ngoài ra, qua tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều yêu cầu lợi nhuận kỳ vọng phải đạt 15-17%/năm. Thế nên con số 14% vẫn còn là thấp!".

Vị đại diện bộ GTVT nhấn mạnh: “Tuy nhiên đó chỉ là con số đưa ra trong quá trình kêu gọi đầu tư, tính trên tổng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, nhưng đến lúc làm thì ai cũng phải có rủi ro. Dự toán là thế nhưng nếu không lường hết được rủi ro thị trường, tính toán không sát thực tế, quản lý không tốt hay lưu lượng xe không đạt dự kiến trong phương án tài chính... thì vẫn có thể lỗ”.

Kiến nghị của bộ GTVT đưa ra đúng vào thời điểm vấn đề liên quan đến các dự án BOT đang nóng hừng hực. Người dân phản đối các trạm thu phí như trạm Cai Lậy – Tiền Giang, trạm thu phí quốc lộ 5 Hòa Bình, trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa – Đồng Nai, trong khi đó nhiều nhà đầu tư BOT còn “tranh thủ” than khó đủ bề.

Đó là câu chuyện của dự án BOT cầu Hạc Trì – nơi từng bị người dân phản đối do chủ đầu tư đặt ụ bê tông ngăn không cho phương tiện đi cầu Việt Trì cũ nhằm đảm bảo phương án tài chính đưa ra.  Ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc điều hành Dự án BOT cầu Hạc Trì cho biết, theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, doanh thu năm 2016 của dự án phải đạt ít nhất 138 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 89,93 tỷ đồng (khoảng 65%).

“Chỉ tính riêng năm 2016, nhà đầu tư đã bị lỗ gần 50 tỷ đồng, chưa kể các chi phí phục vụ hoạt động sản xuất của trạm thu phí và chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình” – ông Mạnh chia sẻ.

Hay như dự án BOT cầu Mỹ Lợi, nhiều nguyên nhân cũng được chỉ ra như các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Long An hai bên cầu chưa hình thành. Dự án Quốc lộ 50 mới giải phóng mặt bằng được một phần, phải dừng lại vì khó khăn về kinh phí, dẫn tới lưu lượng xe qua cầu không đạt được như tính toán ban đầu, chỉ khoảng 60% dự báo.

Theo phương án tài chính, trong năm 2016, bình quân mỗi tháng dự án phải thu được 120 triệu đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. Hiện, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư là công ty Cổ phần bê-tông 620 Long An phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng để bù tiền trả lãi vay cho ngân hàng. Nếu lượng xe tiếp tục không có sự tăng trưởng như dự báo, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền túi để bù lỗ cho phần lãi vay ngân hàng trong vòng 17 năm tới.

Chủ đầu tư BOT “tay không bắt giặc”

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng, đề xuất tăng mức lợi nhuận đối với dự án BOT lên 14% của bộ GTVT là “phi thị trường, không công bằng”. “Về nguyên tắc, khi tham gia đầu tư bất kỳ dự án kinh doanh nào, chủ đầu tư phải chấp nhận rủi ro, nói như thế này thì bộ GTVT đứng ra đảm bảo lợi nhuận cho chủ đầu tư, vậy thì còn rủi ro gì nữa?” – ông Đức nhận định.

“Đặc biệt trong bối cảnh các dự án BOT còn nhiều bất cập, việc bộ GTVT lên tiếng chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”. Đúng ra phải thực hiện chính sách “rút củi đáy nồi”, tập trung vào việc xử lý các sai phạm, minh bạch hóa công tác đầu tư BOT... nếu không sẽ càng khiến dư luận thêm bức xúc”, vị chuyên gia từ JICA nói thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Đề xuất tăng mức lợi nhuận của chủ đầu tư BOT lên 14% là hoàn toàn không bình thường. Cái chúng ta cần làm là phải công khai, minh bạch đã, khi đã thực sự cạnh tranh rồi mới ngồi lại với nhau, xem mức lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý. Nếu không công khai, minh bạch thì lợi nhuận có thể nói là vô cùng, đúng như có ý kiến nói đây là "trấn lột người ta chứ kinh doanh gì đâu".

Nguyên nhân cơ bản đầu tư BOT chịu cảnh thua lỗ trong những năm đầu được vị chuyên gia đến từ JICA phân tích: "Hầu hết các nhà đầu tư BOT hiện nay đều “tay không bắt giặc”, vay vốn ngắn hạn chịu lãi suất cao để đầu tư dài hạn. Điều này đi ngược nguyên tắc thị trường là đầu tư dài hạn phải dùng nguồn vốn dài hạn. Đó là lựa chọn của chủ đầu tư ngay khi thực hiện dự án, nhưng đến khi chi phí lãi tăng cao, rủi ro lớn thì lại kêu".            

Việc đầu tư không ai so sánh với nước ngoài!

Phân tích về cơ sở mà đại diện bộ GTVT đưa ra đề xuất tăng mức lợi nhuận cho dự án BOT, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài chỉ là ý kiến tham khảo. Ông Đức đặt câu hỏi: “Về mặt kinh tế, việc đầu tư không ai so sánh với nước ngoài cả, mỗi nước có đặc thù khác nhau, tình hình khác nhau. Gửi tiền tiết kiệm ở Mỹ lãi suất có 0,25 – 0,5%, thậm chí lãi suất âm trong khi ở ta phải đến 6-7%, sao không so sánh?”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.