Nhiều ý kiến cho rằng, không nên tăng lương kiểu cào bằng mà phải dựa vào năng suất lao động, đồng thời cần thanh lọc cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy.
Về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, cán bộ tại TP.HCM để có cái nhìn đa chiều.
Qua trao đổi, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM khẳng định: "TP.HCM muốn xin cơ chế từ Trung ương để chủ động chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải xin Trung ương được tăng lương cho họ.
Cụ thể, việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức được lấy từ nguồn ngân sách thành phố, được phân cấp, ủy quyền từ nguồn điều tiết của Trung ương cho TP.HCM. Ngoài những khoản chi thường xuyên, chi đầu tư, thành phố muốn dành một nguồn để chi cho việc chăm lo đời sống của họ.
Như vậy, hệ số lương Nhà nước quy định là một phần, TP.HCM sẽ trích từ nguồn ngân sách để bổ sung thêm một phần tương đương. Việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, đem lại nguồn thu lớn cho thành phố, cả nước. Và khi cán bộ có đời sống tốt thì việc phục vụ cho người dân, cho doanh nghiệp chu đáo, hiệu quả hơn".
Trong khi đó, PGS.TS Phan An, viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ chia sẻ: "Ở góc độ nghiên cứu xã hội học, tôi cho rằng đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức viên chức tại TP.HCM là có cơ sở và hợp lý, tôi ủng hộ điều đó. Vì TP.HCM có đặc thù riêng so với cả nước, kinh tế phát triển nhất, dân số đông nhất…
Từ đó, khối lượng công việc của cán bộ công chức, viên chức cũng nhiều hơn. Và tất nhiên, những người làm nhiều, đóng góp cho xã hội nhiều thì phải được hưởng nhiều hơn là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương cao như thế nào cho hợp lý mới là đáng bàn. Không nên cào bằng so với các nơi khác, các ngành nghề khác nhau, dựa vào từng vị trí, công việc, ngành nghề để xét tăng lương.
Những vị trí cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng năng lực phải loại bỏ để giúp bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Việc tăng lương phải dựa trên mặt bằng chung của cả nước và phù hợp tại TP.HCM. Không nên tăng cao quá mà phải đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng.
Tôi cho rằng trả lương cao tại TP.HCM, đặt trong bối cảnh chung của cả nước, vùng miền sẽ trở nên nhạy cảm, một số địa phương khác cũng sẽ đưa ra những đặc thù khác để được tăng lương. Do đó, trước khi đưa ra đề xuất, phải hết sức cân nhắc, phải nghiên cứu kỹ để thích hợp với điều kiện, với đặc thù của thành phố".
Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (TP.) cho biết thêm: "Vấn đề tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM nằm trong đề án cơ chế, chính sách, đặc thù của TP.HCM để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước mà TP kiến nghị lên Trung ương. Thành phố hiện có hơn 8 triệu dân thường trú, chưa kể dân vãng lai, tạm trú. Nếu tính cả, con số là trên 10 triệu dân.
Theo tính toán, mỗi cán bộ, công chức tại TP.HCM phải phục vụ hơn 280.000 dân. Trong khi bình quân cả nước, mỗi cán bộ, công chức phục vụ chỉ hơn 170.000 dân. Chính từ cơ sở đó cùng với việc dựa trên thực tế năng suất lao động hiệu quả cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quan điểm chung của Ban chấp hành Đảng bộ Thành ủy là trả lương cao hơn cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Cụ thể là trả lương cao gấp hai lần so với cán bộ công chức viên chức cả nước. Tôi cho rằng, quan điểm này rất hợp lý với thực tế tại TP.HCM. Vấn đề này cũng đã được họp và cho ý kiến, thống nhất để trình Trung ương".