Bộ Tài chính vừa có công văn số 2137/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%.
Căn cứ quy định của Luật số 26/2012/QH13, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Vì vậy, Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân để trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Theo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mới công bố, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng một năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Nếu được Quốc hội thông qua, điều chỉnh này sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh trước đó được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Về tác động của việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, theo Bộ Tài chính, đối với người nộp thuế, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.
Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế. Trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Đối với xã hội, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.
Đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Về hiệu ứng kinh tế đối với xã hội, có thể thấy việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh có hiệu ứng tích cực. Nguyên nhân do việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế còn liên quan đến việc giảm chi tiêu của Chính phủ do giảm thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân.
Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu ngân sách Nhà nước đạt trên 79.219 tỷ đồng.
Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế.
Tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu ngân sách Nhà nước xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng. Như vậy với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế thu nhập cá nhân trong một năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2019).
Hoàng Mai