Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về mức phụ cấp ưu đãi.
Hiện nay, theo quy định của Nghị định 56/2011/NĐ-CP, mức phụ cấp áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng là 40%.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất mức phụ cấp áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng là 100%.
Mức phụ cấp này cũng áp dụng với người làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; nhà hộ sinh; trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện.
Cũng tại dự thảo, mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.
Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỉ lệ % trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
Trước đó, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 1,5 năm qua.
Thứ nhất, do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, mức lương của bác sĩ sau khi ra trường là 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập.
Thứ hai, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.
Mặt khác, trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế.
Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu với mức lương cao gấp 4-5 lần để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ.
Thứ năm, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn, họ hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như Tp.Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Thứ sáu, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng. Tình trạng thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao... đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.
Thứ bảy, do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tám, nguyên nhân khác: Viên chức y tế xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn,...
Để khắc phụ tình trạng này, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đồng thời, Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.
Ngoài ra, để khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Cụ thể, mỗi người một tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1-2 lần mức lương cơ sở hiện nay.
Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…
Chính phủ cần có nhiều chế độ chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh.
Tuệ Minh