Chiều ngày 28/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Dự án luật này dự kiến được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8.
Trong đó, dự thảo trình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc quân hàm, cụ thể: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60.
Theo dự thảo, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm.
Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về lý do nâng hạn tuổi, Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Mặt khác, việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đồng thời, việc sửa đổi này là để sĩ quan có thời gian phục vụ Quân đội dài hơn, giảm áp lực đào tạo cán bộ, phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội "là ngành lao động đặc biệt".
Bảo đảm phù hợp tính chất, nhiệm vụ của sĩ quan phải thường xuyên trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo...
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí việc sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, ông Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể số lượng cấp bậc quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng làm căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát vị trí sĩ quan biệt phái có trần quân hàm cấp tướng cho phù hợp với quy định tổng số sĩ quan cấp Tướng tại ngũ trong quân đội nhân dân không quá 415.
Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội được phân theo cấp bậc hàm. Theo đó, cấp úy là 46 tuổi; Thiếu tá là 48 tuổi; Trung tá là 51 tuổi; Thượng tá là 54 tuổi. Các độ tuổi nói trên áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Từ cấp đại tá, hạn tuổi cao nhất đối với nam là 57 tuổi, còn nữ là 54 tuổi. Đối với cấp tướng, nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.