Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án nghỉ Tết Âm lịch 2021 (Tết Nguyên đán Tân Sửu) và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: Nghỉ Tết Tân Sửu 7 ngày (từ 10/2/2021-16/2/2021).
Cụ thể, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ Tết theo phương án nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết.
Do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 13-14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ Nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 4 và Mùng 5 Tết Âm lịch (tức ngày 15-16/02/2021 Dương lịch).
Với phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Trong khi đó, về việc nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ theo phương án nghỉ ngày liền kề sau ngày 2/9.
Với phương án này, dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày từ ngày Thứ Năm 2/9 đến ngày Chủ Nhật 5/9. Trong đó 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh và 2 ngày là ngày nghỉ hằng tuần.
Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Âm lịch và dịp nghỉ lễ Quốc khánh cho người lao động như sau:
Lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch.
Đối với dịp nghỉ lễ Quốc khánh, người sử dụng quyết định cho người lao động nghỉ 2 ngày (ngày 2/9/2021 và 1 ngày liền trước hoặc sau).
Người sử dụng lao động phải thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trước đó đã dự thảo phương án nghỉ lễ, tết năm 2021 và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan tổ chức liên quan. Sau khi tổng hợp, 100% ý kiến góp ý đều đồng ý với đề xuất của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thưởng Tết có thể bằng hiện vật thay vì tiền từ năm 2021
Điều 104 bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) đã quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng". Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, điểm vẫn giữ nguyên về quy định thưởng là không yêu cầu người sử dụng lao động bắt buộc phải thưởng Tết, thưởng vào các ngày lễ khác cho người lao động.
Trong khi đó, Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Hoàng Mai