Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán, ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (ĐBQH đoàn Bình Định) đã có đề xuất lùi giờ làm việc. Theo đề xuất, giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ.
Xung quanh đề xuất trên, bên hành lang QH chiều 31/10, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường (ĐBQH đoàn TP.Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân.
ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm: “Theo tôi, đề xuất của ĐB Nguyễn Văn Cảnh là có cơ sở. Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội công nghiệp. Tất cả các nước công nghiệp đều bắt đầu giờ làm việc buổi sáng muộn hơn. Họ làm việc thông trưa, thời gian nghỉ buổi trưa ngắn chứ không dài như Việt Nam.
Ở các nước phát triển, họ sinh hoạt theo thói quen văn hóa là buổi trưa chỉ ăn nhanh. Còn nếu như ở các vùng kinh tế chưa phát triển, áp dụng đề xuất này chưa chắc người dân đã thích nghi được”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích: “Như tôi nói, thời gian làm việc này phù hợp với các nơi phát triển. Bởi nếu chúng ta dồn tất cả vào cùng một giờ làm việc ở trong một thành phố đông dân, cơ sở hạ tầng chưa phát triển có thể gây áp lực với giao thông, gây ùn tắc. Thậm chí, ở thành phố lớn của Việt Nam còn tính đến việc lệch giờ làm việc để tránh ùn tắc. Do vậy, ở Việt Nam chúng ta cần tính đến những nơi có điều kiện thì thay đổi chứ không nên áp dụng đại trà.
Tôi lấy ví dụ như ở các trường ĐH lớn, chúng tôi thường nghỉ trưa rất ngắn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải áp dụng tất cả như thế. Ở các cơ quan hành chính Nhà nước phải áp dụng thống nhất một giờ để thuận tiện, thống nhất phục vụ người dân. Các cơ quan khác hoàn toàn có thể lựa chọn giờ làm việc phù hợp nhất với họ. Đặc biệt không chỉ áp dụng phù hợp với cơ quan mà còn theo vùng phát triển. Rõ ràng, không nên áp dụng đồng loạt nhưng đây là đề xuất tiên tiến và tương lai phải hướng tới”.
Trước ý kiến lo ngại, lùi giờ làm đến 8h30 với thói quen “uống nước, pha trà” đầu giờ làm, liệu việc của dân có bị “lùi” theo, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng đó không phải là trở ngại lớn thực hiện đề xuất này. “Nếu như chúng ta có tính toán cụ thể hiệu quả của việc lùi giờ làm với cơ sở hạ tầng, kinh tế…thì trở ngại trên sẽ được giải quyết bằng kỷ luật làm việc”, ĐB Cường nhấn mạnh.
Đỗ Thơm