Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg…
Sau hơn 17 năm thi hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong thời gian gần đây gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:
Về việc xác định các trường hợp nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các văn bản về danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao đã không còn hiệu lực. Hơn nữa, thực tế thời gian qua, có nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới và không được cập nhật hàng năm (nhất là từ năm 2009 đến nay) nên nhiều đơn vị hành chính được công nhận miền núi, vùng cao không phù hợp với tên các đơn vị hành chính. Do đó, khi triển khai, các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 quy định: "Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực". Tuy nhiên, thực tiễn nhiều địa phương đã được xác định là xã khu vực I nhưng vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo mức ở khu vực II (mức phụ cấp 50%), chỉ có một số ít các địa phương chi trả mức phụ cấp 35% như: An Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tuyên Quang.
Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2019), Luật Giáo dục năm 2019 về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo, việc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn đế thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là phù hợp và rất cần thiết.
Nhà giáo bậc học nào sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi nhiều nhất?
Theo Bộ GD&ĐT, việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.
Theo đó, Dự thảo Tờ trình đã thay đổi về mức phụ cấp của giáo viên.
Cụ thể, mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh).
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ở đồng bằng, thành phố, thị xã; cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường cao đẳng quy định trên); các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tại: Các xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian hưởng 3 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đắng.
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học ở các xã khu vực I, khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học khu vực còn lại.
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non. Cụ thể, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo hạng, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuệ Minh