Vừa qua, sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo về phòng chống mại dâm. Cuộc hội thảo này cũng đưa ra bàn bạc lại vấn đề quy hoạch thí điểm một “khu đèn đỏ” để quản lý nhưng không chính thức công nhận mại dâm là một nghề.
Trước nhiều luồng dư luận về vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, người đưa ra đề xuất về việc quy hoạch thí điểm một "khu đèn đỏ" để quản lý.
Hoạt động mại dâm diễn biến ngày càng tinh vi
Bà đánh giá thế nào về tình hình mại dâm ở TP.HCM hiện nay?
Hiện nay, nạn mại dâm tại TP.HCM rất phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo số liệu thống kê thời gian qua, có ít nhất 15.000 nữ bán dâm có mặt khắp TP.HCM. Hoạt động mại dâm không chỉ diễn ra tại các nhà hàng, vũ trường, quán karaoke, khách sạn mà còn tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, cơ sở xông hơi, mát xa. Bên cạnh đó, còn xuất hiện hình thức tiếp thị việc bán dâm qua điện thoại, internet, thậm chí nhiều cô gái còn xuất ngoại để bán dâm…
Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Những gì chúng ta biết về mại dâm tại TP.HCM chỉ là một phần rất nhỏ của bề nổi về tình trạng mại dâm hiện nay. Vì thế cần có những giải pháp cụ thể để giảm tình trạng này, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm một phần không nhỏ những ca lây nhiễm HIV mới. Nếu không giải quyết được dứt điểm tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục thì phải tìm cách làm giảm nó, trong đó thành lập thí điểm "khu đèn đỏ" tại TP.HCM cũng là một giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Bà Nguyễn Thị Huệ- trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại Ủy ban phòng chống AIDS
Nói như vậy nghĩa là tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS đang ở mức báo động?
Ở nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục luôn ở mức báo động. Mặc dù đã giảm so với thời gian trước đây, nhưng con số thống kê vẫn đang rất cao. Trong năm qua, tỷ lệ nhiễm HIV là 17%, trong đó lây qua đường tình dục chiếm 60%. Đây là một con số đáng báo động bởi số người lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng. Vấn đề đang gây khó khăn nhất hiện nay là những người bán dâm đã có gia đình đang có xu hướng tăng lên, gây lo ngại cho các tổ chức quản lý về lây nhiễm HIV mang tính dây chuyền, nghĩa là vợ đi bán dâm, về lây cho chồng, lây bệnh cho người mua dâm, người mua dâm lây cho vợ con của họ. Chính điều này làm cho tình trạng lây nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội, và làm tan vỡ rất nhiều gia đình.
Thưa bà, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đã có những giải pháp nào để giảm lây nhiễm HIV qua đường mại dâm hiện nay?
Từ trước đến nay, chúng tôi luôn cố gắng tìm ra những giải pháp để làm giảm tình trạng này như tuyên truyền, vận động những người làm nghề mại dâm thường xuyên đi khám để bảo đảm mình vẫn không lây nhiễm căn bệnh thế kỷ, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đưa nhân viên của mình đến các cơ sở y tế, cấp phát bao cao su miễn phí cho những người làm công việc nhạy cảm.
Bên cạnh đó, còn mở các lớp phổ biến kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV trong quá trình hành nghề, thành lập các nhóm đồng đẳng để họ tự chăm sóc nhau. Nhiều giải pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, với tình hình hiện nay, như thế là chưa đủ. Do đó, cần có một đề xuất táo bạo mang tính đột phá hơn, tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ làm giảm đáng kể các ca lây nhiễm mới HIV mà người trực tiếp làm lây lan là gái mại dâm và những người làm các ngành nghề nhạy cảm.
Cần có giải pháp cụ thể
Thưa bà, mại dâm ở đây cần được hiểu như thế nào?
Mục tiêu mà sở LĐ-TB&XH TP.HCM hướng đến, theo tôi là nhằm giảm tình trạng mại dâm tràn lan như hiện nay. Ở đây, cần phải hiểu rằng, kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm và mại dâm là hai hình thức khác nhau, tức là người đứng ra kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm phải được cấp phép, phải đảm bảo đầy đủ chế độ cho người lao động và tất nhiên được xem là một nghề. Trong khi đó, mại dâm không được coi là một nghề, khi phát hiện mua bán dâm các cơ quan chức năng vẫn xử lý, dù có diễn ra trong khu quy hoạch thí điểm.
Bà tán thành đề xuất thành lập thí điểm "khu đèn đỏ" tại TP.HCM?
Nguồn lực quốc tế hỗ trợ ngày càng giảm đi, các tổ chức trước đây tài trợ cho các chương trình giảm người nhiễm HIV/AIDS mới đang rút dần vốn tại Việt Nam. Trong khi đó, ngân sách quốc gia chưa đủ để đáp ứng được. Nói riêng tại TP.HCM, số lượng tình nguyện viên còn quá mỏng, không đủ kinh phí để bảo đảm việc tuyên truyền, vận động, phát bao cao su cho tất cả các nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm hay gái bán dâm đường phố ở 26 quận huyện trên địa bàn thành phố. Vì thế, sở LĐ-TB&XH TP.HCM táo bạo đưa ra đề xuất thành lập thí điểm "khu đèn đỏ" tại TP.HCM để dễ quản lý.
Đứng ở góc độ chuyên môn về giảm tác hại lây nhiễm HIV, tôi tán thành đề xuất này, vì nếu thành lập được, nó sẽ mang lại nhiều điều tích cực, việc quản lý cũng sẽ dễ dàng hơn. Gái mại dâm hoạt động trong khu vực sẽ được chăm sóc về sức khỏe, khám bệnh thường xuyên. Những người chủ của các dịch vụ này sẽ là người trực tiếp mua bảo hiểm và các chế độ khác cho người lao động như những công việc bình thường khác. Không những thế, họ còn được bảo vệ bởi nạn bạo lực tình dục, quỵt tiền, bảo kê, ma cô chăn dắt gái mại dâm…
Hiện nay, người Việt Nam nói chung còn chưa thoáng trong việc công nhận những cô gái bán dâm hay hoạt động dịch vụ mại dâm hoàn lương. Vậy theo bà, làm cách nào để thu hút được gái mại dâm và các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm vào khu quy hoạch?
Nếu sở LĐ-TB&XH TP.HCM thành lập thí điểm "khu đèn đỏ" tại TP.HCM sẽ là tín hiệu tích cực. Khi đó sẽ có những chế tài về việc kinh doanh các dịch vụ có liên quan đến mại dâm, các cơ sở này và gái bán dâm tại 26 quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ tập trung vào đây, và sẽ xử phạt nghiêm những cơ sở không thi hành. Nhìn ở góc độ là người làm công tác phòng chống lây nhiễm HIV, tôi cho rằng những cô gái bán dâm sẽ có tính tự nguyện, vì chương trình này giúp các cô gái được bảo đảm về sức khỏe, được hưởng các chế độ lao động. Bên cạnh đó, khi hỏi các cô gái làm nghề mại dâm, họ đều cho rằng do hoàn cảnh khó khăn nên mới làm, đến một lúc nào đó sẽ giải nghệ để lấy chồng hay cân bằng lại cuộc sống. Không những thế, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện dạy nghề cho những thành phần này để họ có thể sống bằng nghề mình học. Với những lợi ích đó, theo tôi, họ sẽ tự nguyện tham gia.
Thưa bà, nhiều người lo ngại rằng bọn tội phạm sẽ lợi dụng khu quy hoạch thí điểm này để buôn bán ma túy hay hình thành các băng nhóm gây mất trật tự xã hội. Bà nhận định sao về vấn đề này?
Việc xử phạt tội phạm đã có cơ quan công an, chúng tôi chỉ làm công tác chuyên môn liên quan đến chúng tôi. Theo đó, gái mại dâm khi tập trung trong khu quy hoạch thí điểm “khu đèn đỏ” sẽ được bảo đảm về sức khỏe vì họ được chăm sóc và quan tâm. Thành lập "khu đèn đỏ" cũng sẽ rất dễ quản lý và tuyên truyền, giáo dục người bán dâm hay chủ kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm hiểu rõ về việc phòng chống HIV/AIDS.
Xin cảm ơn bà!
Cần có sự phối hợp liên ngành Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại của Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM cho biết: "Để công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục được hiệu quả cần có sự phối hợp của nhiều tổ chức, ban ngành, và cả ý thức của những người hành nghề mại dâm. Các cơ quan chức năng chỉ đưa ra các giải pháp và xây dựng chương trình hành động cụ thể, triển khai thế nào cho hiệu quả nhất, điều quan trọng là sự hưởng ứng của gái mại dâm và chủ kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm. Nếu có sự phối hợp đồng bộ này, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới". |
Công Thư - Hợp Phố