Tính toán kỹ tránh cào bằng
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở…) của những người cách ly. Đề xuất này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người dân đồng tình với chủ trương của Chính phủ.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan toàn cầu và diễn biến phức tạp, những ngày qua có rất đông người Việt Nam học tập, lao động, sinh sống tại nước ngoài về nước, được cách ly, điều trị miễn phí.
Nói về điều này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Theo quy định trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những dịch bệnh thuộc nhóm A thực hiện theo chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Có thể thấy, Chính phủ đã thực hiện nghiêm theo quy định của Luật.
Điều này thể hiện tính nhân văn, bởi khi xây dựng luật trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề còn hạn chế như khi đó đất nước còn khó khăn, phát triển kinh tế thị trường chưa được như bây giờ, nên luật xây dựng là nhà nước lo, nhất là dịch bệnh thì nhà nước có chính sách để giúp cho người dân yên tâm phòng dịch.
Việc miễn phí này từ năm 2007, quy định chưa được sửa đổi, đến nay cơ chế thị trường, nhiều người dân muốn đóng góp cho việc con em cách ly. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây vừa thể hiện tính nhà nước của dân do dân vì dân; đồng thời, là truyền thống vốn có của người dân Việt Nam, dù làm việc ở bất cứ đâu cũng là đồng bào người Việt cả, nên nhà nước có trách nhiệm dang tay đón người Việt trở về. Đây là điều cần thiết, người dân được hưởng chính sách của nhà nước đó là được trị bệnh miễn phí. Có thể thấy đây là sự ưu việt định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nữ đại biểu này đề xuất xây dựng luật hành chính công, trong đó có chương về dịch vụ công. Ở đây, dịch vụ công có ba loại hình: Dịch vụ hành chính công; Dịch vụ sự nghiệp công và Dịch vụ công ích.
“Tôi đặc biệt quan tâm đến dịch vụ công ích là dịch vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng, vấn đề phòng cháy chữa cháy, dịch bệnh… Dịch vụ công ích như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ... tính ưu tiên là nhà nước phải chi trả, nhưng cũng cần có quy định rõ ràng trong văn bản luật, xã hội hoá để người dân muốn đóng góp vẫn có thể đóng góp thông qua luật”, ĐBQH Quốc Khánh nêu.
“Tôi ủng hộ việc thu phí ăn ở của người cách ly, đây là dịch vụ công ích và phải được xã hội hoá, chúng ta khoanh vùng một nơi để cho những nhân viên y tế phục vụ được. Nhưng, cần tính toán, nếu vượt quá thẩm quyền của Chính Phủ thì Chính Phủ sẽ báo cáo với Thường vụ Quốc hội cần thiết xin ý kiến Thường vụ… Để có những xử lý cho phù hợp”, ĐBQH Quốc Khánh cho hay.
Đồng tình với việc thu phí cách ly, nhưng ĐBQH Quốc Khánh cho rằng không thể thu phí một cách cào bằng: “Có những người lao động ở nước ngoài cũng vất vả, khó khăn… nên nếu thu phí cách ly cần tính toán, cân nhắc theo bộ Tài Chính, bộ Y tế, bộ Tư Pháp, các ngành liên quan… để đưa ra giải pháp cho phù hợp”.
Không ngần ngại đóng góp, chung tay ngăn chặn dịch
Hiện nay, những người phải thực hiện việc cách ly gồm có nhiều hình thức khác nhau, nhưng có thể tựu trung thành 3 nhóm cơ bản: Nhóm 1, những người từ nước ngoài trở về Việt Nam được thực hiện cách ly tập trung để tuân thủ triệt để các yêu cầu về phòng chống dịch và cách ly y tế bắt buộc. Nhóm 2, nhóm tiếp xúc trực tiếp (F1) với những người bị nhiễm và được đưa vào các khu cách ly. Nhóm 3, được cách ly tại nhà (F2….) hoặc tại khu vực bị cách ly (khi khu vực có người bị nhiễm).
Trong số 3 nhóm đó, nhóm 1 hiện đang được thực hiện cách ly tập trung là nhóm có số lượng đông nhất. Nhìn vào số lượng người bị cách ly theo nhóm này đang tăng lên mỗi ngày thì gánh nặng ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả là khá lớn nếu phải bao cấp hoàn toàn.
Trong bối cảnh chi phí thực hiện cách ly lớn, có nhiều ý kiến đề xuất thu phí ăn, ở đối với những người trong diện bị cách ly, nguyên ĐBQH, PGS.TS Bùi Thị An nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan toàn cầu, thời gian vừa qua có rất đông người dân Việt Nam học tập, lao động, sinh sống tại nước ngoài trở về nước được cách ly và điều trị miễn phí.
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An nói: “Như những gì chúng ta đang làm hiện nay, Nhà nước đã bao cấp gần như toàn bộ. Có thể thấy rằng, Nhà nước, Chính phủ ta thể hiện rất rõ quan điểm là chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân trong đại dịch”.
“Tuy nhiên, nếu tính đến phương án dịch bệnh còn kéo dài, việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lúc đó sẽ cực kỳ tốn kém, vô cùng khó khăn. Để mà nói, tôi tin rằng những người phải cách ly, hay có người nhà đang cách ly có thể thấu hiểu được sự hi sinh của những lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch và họ cũng sẽ chẳng ngần ngại đóng góp, chung tay ngăn chặn dịch bệnh”, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Mong muốn đóng góp một phần nào đó!
Trước đó, chia sẻ với PV, một người mẹ ở Hà Nội có con cách ly bày tỏ: “Con của tôi cũng là một trong những người đang đi cách ly tập trung. Cho dù điều kiện chỗ ở cũng chưa thật sự tốt nhưng gia đình tôi luôn biết ơn Chính Phủ Việt Nam đã dang tay đón những người con trở về. Tôi biết rằng với lượng người về quá tải như hiện nay mà Nhà nước vẫn đang gồng mình, các lực lượng vất vả và chịu nhiều nguy hiểm để chăm sóc cho những người cách ly ngày 3 bữa, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm toàn bộ...thì thật sự là một gánh nặng lớn cho đất nước.
Bên cạnh đó, tôi là người đã trực tiếp vào các bệnh viện, nói chuyện với các y bác sĩ, các lực lượng y tế dự phòng cũng như thông qua các hình ảnh trên mạng thì thấy các lực lượng đó đang rất vất vả và chịu nhiều nguy hiểm cho việc giám sát, quản lý cách ly…
Chính vì vậy, gia đình tôi rất mong muốn được đóng góp thêm một phần nào đó cũng như rất mong có thêm những hỗ trợ để các lực lượng có thêm sức khỏe, được động viên chia sẻ nhiều hơn và yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng cần có những chính sách rõ ràng, tổng thể từ Nhà nước cho những lực lượng đó khi đang phải chịu bao gian khổ, thậm chí đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Vì vậy, tôi có một đề xuất giá như có một chính sách thu tiền ăn, ở chi phí cho việc cách ly này (Đối với những người từ nước ngoài về) và tôi tin, chúng tôi cùng nhiều gia đình luôn sẵn lòng”.
Thanh Lam – Thu Huyền