Trong phiên họp HĐND TP.HCM vào ngày 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, đã đề xuất trang bị lu đựng nước mưa cho người dân để chống ngập.
Trước đề xuất này, trên mạng xã hội đã nổ ra những cuộc tranh cãi trái chiều, thậm chí không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của việc dùng lu nước để chống ngập.
Từ những tranh cãi này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam).
Thưa TS. Đào Trọng Tứ, đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, cá nhân ông nghĩ sao về đề xuất này?
Ở nông thôn khi có không gian, mỗi hộ có một cái lu để trữ nước để sử dụng sinh hoạt trong lúc thiếu nước thì điều này mới làm được.
Bây giờ, cho rằng mỗi nhà một cái lu, mấy triệu hộ dân sẽ trữ nước mưa để chống ngập, thì đây chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Hiện nay, nhà tầng khoảng 100 căn hộ ở chung một chung cư thì lu để ở đâu? Chưa kể diện tích chật chội làm sao trang bị được lu, nhìn tổng thể ở đô thị thì rất vô lý.
Còn tích trữ nước ở các nước châu Âu, ở các nhà cao tầng, quy hoạch đều sử dụng hệ thống ngói, đều phải có khu chứa nước tạm thời để khi mưa lớn xuống, giảm bớt đi áp lực dòng chảy ở phía dưới.
Chuyện cái lu chỉ làm ở nông thôn được thôi, còn cái lu ở thành phố thì khó.
Trước đó, cũng có nhiều đề xuất, phương án, hội thảo chống ngập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM được đưa ra bàn luận. Nhưng vấn đề này có thể giải quyết triệt để?
Đề xuất trang bị lu chống ngập đưa ra nghe buồn cười, trẻ con không phải là biện pháp, đồng thời cũng không thể làm được. Mặc dù, tôi là người ủng hộ việc tích nước tại chỗ nhưng đối với đô thị là không làm được.
Câu chuyện chống ngập ở Hà Nội và TP.HCM một cách triệt để là bài toán cực kỳ khó, lý do là vì hiện nay tất cả đường thoát, trữ nước tạm của các khu đất đai, dân cư ngày xưa ở các vùng ngoại ô. Nhưng, bây giờ các hệ thống điều hoà tự nhiên, các hệ thống hồ ở đô thị là bị xâm chiếm, do đó không có việc trữ nước tạm thời.
Thêm nữa, vấn đề hệ thống xây dựng các quy hoạch đô thị chưa để ý đến câu chuyện thoát nước. Kể cả ở những khu đô thị mới… Không thể nào nói có thể giải quyết vấn đề ngập bằng cách triệt để, tuyệt đối.
Vậy đâu là giải pháp để chống ngập hiệu quả thưa ông?
Tôi cho rằng, bài toán về chống ngập ở các thành phố lớn là nan giải, nên đừng ai nói mạnh, đề xuất mạnh mà cần phải từng bước. Do đó, cần phải quy hoạch đô thị một cách tổng thể.
Bên cạnh đó, cho nước vào các hồ tạm trữ nước, trữ nước trên mái, hệ thống bơm cực lớn để đẩy nước ra các hệ thống sông vào thời kỳ mưa là những biện pháp không có cách nào khác là phải được thực hiện. Nếu không, đừng hy vọng có thể giảm ngập úng.
Xin cảm ơn ông!