Đề xuất tước bằng, trừ điểm trên mỗi lần vi phạm
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP Hà Nội) xác nhận thông tin mới đưa ra kiến nghị thu giấy phép lái xe (GPLX – hay gọi là bằng lái xe), đình chỉ lái xe vĩnh viễn nếu tài xế vi phạm giao thông nghiêm trọng. Đồng thời, kiến nghị cấp GPLX phải kèm theo số điểm, nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm, bị trừ hết điểm tài xế sẽ phải học lại từ đầu.
Theo lãnh đạo PC67 Hà Nội, kiến nghị này nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với việc cấp GPLX, kiểm soát việc lái xe của tài xế vi phạm giao thông. PC67 kiến nghị việc cấp GPLX cho công dân sẽ do bộ Công an chủ trì. Khi đào tạo, sát hạch và cấp GPLX phải kèm theo điểm để nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trên GPLX đó.
“Vi phạm giao thông càng nghiêm trọng thì số điểm trừ đi càng nhiều, nếu trừ hết điểm thì phải học lại từ đầu và thi lấy GPLX mới. Với trường hợp nghiêm trọng phải đình chỉ lái xe vĩnh viễn”, lãnh đạo PC67 Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo PC67 Hà Nội cho rằng, việc cấp GPLX với thời hạn 10 năm như hiện nay là quá dài. Trong khoảng thời gian đó rất khó kiểm soát được tình trạng sức khỏe, khả năng lái xe cũng như năng lực của người cầm lái. Thay vào đó, chỉ cần cấp trong 5 năm, sau thời gian trên sẽ thực hiện đổi GPLX. Việc cấp đổi GPLX phải được công nghệ hóa tối ưu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tránh gây phiền hà, lãng phí cũng như tốn kém.
Trả lời PV, đại diện PC67 Hà Nội cho rằng, ý tưởng trừ điểm trên bằng lái theo đề xuất tương đối giống việc bấm bằng từng được áp dụng trước đây, tuy nhiên đây mới là ý kiến ban đầu.
Có trùng lặp ý tưởng cũ?
Nhận định về đề xuất trên của PC67 Hà Nội, hầu hết chuyên gia, nhà làm luật đều cho rằng đây là ý tưởng tốt nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người lái xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đề xuất của PC67 Hà Nội đưa ra phần nào trái ngược với các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là phần “tước GPLX vĩnh viễn đối với trường hợp vi phạm lỗi nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất của PC67 Hà Nội về việc trừ điểm GPLX không khác gì so với việc bấm bằng đã “lỗi thời” và bị hủy bỏ thời gian trước đây do gây phiền hà cho người dân (?)
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (bộ Công an) đưa ra nhận định: “Muốn tước GPLX thì phải sửa luật, sửa các quy định liên quan”.
Ông Quân cho rằng, vi phạm giao thông là vi phạm hành chính mà tất cả việc xử lý vi phạm hành chính đều có thời hạn, thời hiệu. “Ví dụ, một vi phạm hành chính mà trong vòng 1, 2 năm không tái phạm thì không bị coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, việc tước GPLX vĩnh viễn thì cần sửa các nguyên tắc”, Thiếu tướng Trần Thế Quân phân tích.
Theo ông Quân, việc trừ điểm trên GPLX như đề xuất nêu trên của PC67 Hà Nội không phải xa lạ bởi các nước trên thế giới đã và đang áp dụng tương tự. Nói về việc trừ điểm trên GPLX có khác gì với việc bấm lỗ trước đây từng áp dụng nhưng sau đó bị hủy bỏ vì nhiều lý do, ông Quân cho rằng, việc bấm lỗ là tương đối phản cảm và cũng phát sinh nhiều hình thức gian dối. Tuy nhiên, ông Quân cũng cho hay, ý tưởng trừ điểm cũng mới là ý kiến ban đầu chứ bản thân ông chưa thấy văn bản đề xuất của PC67 Hà Nội.
Nhận định về đề xuất trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 (PC67 Hà Nội) cho biết: Việc trừ điểm trên GPLX được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, để áp dụng cần phải công khai, minh bạch, rõ ràng cho người dân hiểu.
“Ví dụ, cấp cho GPLX 100 điểm mà gây tai nạn do nguyên nhân chủ quan thì trừ bao nhiêu điểm và sau bao nhiêu năm mới được thi lại? Hành vi đi ngược chiều, vi phạm đèn tín hiệu thì trừ bao nhiêu điểm…? Vấn đề đó cần phải công khai, minh bạch đưa vào luật cho người dân hiểu”, ông Quỹ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quỹ, nếu áp dụng được ý tưởng trừ điểm trên GPLX sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật, nâng cao ý thức người học lái xe từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông.
Phân tích sâu hơn về ý tưởng trừ điểm và bấm lỗ từng được bãi bỏ, Thượng tá Qũy cho rằng 2 quy định này cũng mang tính tương tự nhau nhưng với GPLX bằng nhựa hiện nay thì không thể bấm lỗ nên trừ điểm là phù hợp và mang tính khả thi.
Thượng tá Qũy cũng ủng hộ đề xuất bộ Công an chủ trì cấp GPLX bởi theo ông, nếu áp dụng sẽ tránh được việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay (bộ GTVT vừa đào tạo vừa cấp GPLX - PV). Đặc biệt, tránh được việc chất lượng đào tạo tồi nhưng ra sản phẩm tốt đối với việc cấp đổi GPLX, đồng thời tránh được việc người vi phạm bỏ GPLX khi phạm luật để đi thi lại.
“Hiện nay, rất nhiều nơi, các lái xe vi phạm thường bỏ lại bằng và đến các sở GTVT báo mất để thi lại. Nếu bộ Công an sát hạch sẽ hạn chế được tình trạng này”, Thượng tá Qũy phân tích.
Về đề xuất cấm vĩnh viễn không cho lái xe với lỗi vi phạm nghiêm trọng, Thượng tá Qũy cho rằng cần nghiên cứu kỹ bởi việc cấm như thế là vi phạm quyền công dân.
“Chẳng hạn người ta vi phạm án nào đó mà phải đi tù thì sau khi mãn hạn người ta vẫn phải có quyền công dân… nên cần nghiên cứu kỹ các điều luật liên quan”, ông Qũy phân tích.
Nhất Nam