Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của ĐBQH TP Hà Nội đơn vị số 1, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) cho rằng, về xử lý phạm nhân án tử hình, với việc tiêm thuốc như hiện nay gây tốn kém ngân sách mà thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.
Kiến nghị này lại nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình từ dư luận. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Chữ "tử hình" có nguồn gốc Hán Việt có nghĩa là "hình phạt chết". Để làm phạm nhân chết có nhiều cách. Chúng ta có thể thống kê và mô tả nhiều hình thức thi hành án tử hình trên thế giới từ xưa đến nay như: xử bắn, đóng đinh, ghế điện, tiêm thuốc độc,… Với mỗi phương thức tử hình đã và đang được áp dụng trong lịch sử loài người đều có những ưu và nhược điểm của nó.
Điều 7 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị nêu: “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó”. Việt Nam là thành viên của công ước này. Ngày 17/6/2010 với đa số phiếu tán thành, Quốc hội nước ta đã nhất trí từ 1/7/2011 ở nước ta sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình mới: Tiêm thuốc độc.
Sáng 6/8/2013, việc thi hành án tử bằng phương thức tiêm thuốc độc đã lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Tử tù đầu tiên được thi hành án bằng phương thức này tại Trại giam Công an Hà Nội là Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986, quê ở Mê Linh, Hà Nội). Tử tù này đã được tiêm đầy đủ 3 mũi thuốc độc gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim.
Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc được cho là phương thức ưu việt nhất hiện nay, giúp tử tù ít đau đớn nhất và đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới từ nhiều thập kỷ trước.
Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn".
Trên thế giới, trong gần 80 nước đang áp dụng án tử hình, có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tiêm thuốc độc bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, phù hợp tâm lý Á Ðông, gia đình xin nhận xác bị án về mai táng... Chủ trương này cũng thể hiện sự đối xử rất tình người, nhân đạo ngay cả khi tử tù đã bị tước đi quyền sống.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, còn với lá ngón, thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Nghiên cứu duy nhất về lá ngón tiến hành tại khoa Sinh, Đại học Đà Lạt cho thấy, giã lá ngón thành nước (10 gam lá, 10 ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật. Con người chỉ cần ăn ba lá hoặc một lá với một chút rượu sẽ mất mạng.
Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn co giật và chết.
“Có thể thấy cái chết do lá ngón đem lại là đau đớn thể xác, không nhân đạo. Các tử tù trước khi chết còn được ăn một bữa cơm cuối cùng thịnh soạn thì không lấy lý do gì để chúng ta cho họ ăn…lá ngón”, luật sư Bình nói.