Dự thảo nêu rõ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra.
Thứ hai, có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi xâm phạm là những hành vi (xử sự) trái pháp luật của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại, hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng, hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cách xác định thu nhập thực tế bị mất do thiệt hại về sức khỏe
Theo đó, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút thì được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút đó.
Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau: Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế những mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của tối thiểu 3 người lao động cùng loại tại xã, phường nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại tại thời điểm giải quyết vụ án có xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa có việc làm và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường.
Các xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện theo 2 bước:
Bước 1: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng thu nhập là bao nhiêu.
Bước 2: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh vói thu nhập thực tế tương ứng được xác định như trên.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Dự thảo cũng đề xuất nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau: Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tòa án phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự; phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:
Để xác định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản tương xứng.
Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây: Không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại; thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, là người phải bồi thường chỉ có khả năng bồi thường tối đa 1/2 thiệt hại tính bằng tiền.
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại là trường hợp người bị thiệt hại có lỗi một phần trong việc gây thiệt hại cho chính mình thì không được bồi thường đối với phần lỗi của mình gây ra
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, có nghĩa là trường hợp người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra.
Xuân Thuận
Xem thêm: Từ 1/10, áp dụng quy định mới về thu phí sử dụng đường bộ
Xem thêm: Từ 1/10, điều chỉnh chu kỳ đăng kiểm với một số loại xe ô tô