Đề xuất về đồng tiền sử dụng trong giao dịch trung gian thanh toán

Đề xuất về đồng tiền sử dụng trong giao dịch trung gian thanh toán

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 09/04/2024 11:15

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện hơn đối với dịch vụ trung gian thanh toán

NHNN cho biết, thời gian vừa qua, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã từng bước góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý của NHNN, cũng như hướng dẫn các đơn vị liên quan trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Thông tư số 39 đã từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn: Đối với khách hàng, nhờ có các dịch vụ trung gian thanh toán, người tiêu dùng có thêm một kênh thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, tiết kiệm thời gian, có cơ hội nhận được các ưu đãi, khuyến mãi khi thực hiện thanh toán do có sự cạnh tranh dịch vụ giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán. Thông qua đó, người tiêu dùng cũng dần nâng cao, cải thiện được nhận thức về các dịch vụ trung gian thanh toán nói riêng và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.

Đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông qua hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán có thêm kênh giao tiếp, cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng; qua đó mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng và tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, cùng với yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử gần đây, đòi hỏi hành lang pháp lý cho hoạt động trung gian thanh toán cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn, cũng như làm cơ sở để công tác quản lý, giám sát hoạt động trung gian thanh toán của NHNN ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.

Việc xây dựng dự thảo Thông tư cần đảm bảo tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện hơn đối với việc thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán; đảm bảo hướng dẫn và phù hợp với các văn bản pháp lý khác có liên quan đã được ban hành trong thời gian qua như: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan; dự thảo Luật căn cước công dân; các quy định về quản lý ngoại hối, các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Đồng thời, giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn liên quan đến việc thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán, qua đó vừa tạo điều kiện phát triển các dịch vụ trung gian thanh toán mà vẫn đảm bảo vai trò quản lý, giám sát của NHNN.

Đảm bảo an toàn, bảo mật trong cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Theo NHNN, về cơ bản các nội dung chính sách của Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư mới) được kế thừa từ Thông tư số 39/2014/TT-NHNN trước đây. Đồng thời, dự thảo Thông tư mới bổ sung, cập nhật những nội dung mới được đề cập tại dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo nêu rõ quy định về phạm vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính) được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam (bao gồm cả trường hợp thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài).

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài qua dịch vụ trung gian thanh toán đúng quy định tại Thông tư này và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Trên lãnh thổ Việt Nam: Các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện qua dịch vụ trung gian thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam:

- Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hợp tác với tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Đồng tiền thể hiện trong giao dịch là đồng Việt Nam. Trường hợp được sử dụng ngoại hối để giao dịch thì đồng tiền thể hiện trong giao dịch là đồng Việt Nam; hoặc cả đồng Việt Nam và ngoại tệ.

Ngoài lãnh thổ Việt Nam: Khi tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài, đồng tiền mà khách hàng sử dụng để thanh toán qua một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán là đồng Việt Nam.

Dự thảo cũng quy định, việc quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam (hoặc từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ), tỷ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ theo tỷ giá do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ tuân thủ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng, an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet, an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng; xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử; an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo việc hạch toán, theo dõi các khoản thu/chi liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tách bạch với các hoạt động kinh doanh khác (nếu có) của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; đảm bảo việc hạch toán, theo dõi riêng, tách bạch từng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.