1. "Đường phố từ sáng thứ Hai đến tối thứ Bảy đều kẹt cứng, mưa chỉ cần 1 trận vừa vừa thì đường đã biến thành sông; bệnh viện thì lúc nào cũng quá tải. Hãy lo trước những thứ đó rồi nghĩ đến những thứ cao siêu hơn”.
“Nước mình còn nghèo, dân còn cần những cái cấp bách hơn cái nhà hát này”.
“Nhiều vấn đề rất cấp bách như tình trạng ô nhiễm, ngập lụt ở TP.HCM cần giải quyết hơn”.
“Điều này là chưa thực sự cần thiết. Hãy để dành cho 10 năm sau”.
Đó là những lời phản đối đề xuất mới của UBND TP.HCM. Nhưng suốt 40 năm qua, thành phố chưa xây dựng thêm nhà hát nào. Suốt nhiều thập niên, đến nay chỉ có nhà hát Thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa. Còn các nhà hát xây dựng sau như nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Vậy là sau nhiều năm, khi những tòa tháp mấy chục tầng, những trung tâm thương mại mọc lên như nấm thì nhà hát vẫn bị xem là xa xỉ, tốn kém.
2. Một buổi sáng đầu tuần, tôi ngồi cà phê với một anh đạo diễn giữa trung tâm thành phố. Nhân nói về việc nhà hát 1.500 tỷ chưa bắt đầu xây dựng đã bị phản đối, anh đạo diễn đến từ Kiên Giang trầm ngâm nói: “Tại sao sự đầu tư cho văn hóa văn nghệ lại luôn bị xem là lãng phí? Tại sao lĩnh vực văn hóa luôn bị xem là chỉ biết xài tiền chứ không làm ra tiền?”.
Rồi anh chia sẻ: “Hồi trước, tôi có sang Singapore, đến thăm một bảo tàng khá thú vị. Họ triển lãm hơn 120 tác phẩm về cuộc sống của đất nước mình từ năm 1980. Một tổ chức Chính phủ đã kêu gọi người dân đóng góp, chia sẻ về cuộc sống của chính mình. Tôi nghe nhân viên bảo tàng nói rằng, đó là cách đất nước họ khơi gợi lại các giá trị văn hóa đang dần mất đi trong xã hội hiện đại. Có lẽ, chúng ta đi quá nhanh đến sự phát triển và xem thường văn hóa, tinh thần. Rồi một lúc nào đó, cuộc sống tiện nghi đầy đủ sẽ khiến chúng ta nhận ra mình nghèo nàn như thế nào”. Cứ thế, chúng tôi ngồi ngắm bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
3. “Trong thời điểm này, văn hóa văn nghệ là xa xỉ phẩm. Nhưng nó không thừa đâu. Nó là những sản phẩm vô hình nhưng cần thiết vô cùng. Cái kết quả của hôm nay sẽ hiển thị ở 10, 15 năm nữa, cho con cháu mình. Còn bây giờ nó không cụ thể được. Nhưng nếu để 10, 15 năm nữa mới làm thì 20 năm nữa mới được gặt”, NSND Hồng Vân từng nói trong chương trình của VTV3.
Và hẳn thế, nếu cứ mãi xem thường sự đầu tư cho nhu cầu tinh thần thì sẽ đến lúc “một thành phố không có nhà hát có khác nào sa mạc văn hóa đâu”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.