Có thể làm được 10.000 căn nhà giá bán 200 triệu đồng/căn
Ngày 5/9, hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn hoả tốc số 110/CV-HoREA gửi uỷ ban Các vấn đề xã hội, Quốc hội khoá XIV và lãnh đạo TP.HCM về việc đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.HCM.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đưa ra các dẫn chứng về mô hình phát triển NOXH dành cho người có thu nhập thấp tại tỉnh Bình Dương mà Tổng công ty Becamex IDC đang thực hiện với diện tích 30m², giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn. Hiện, mô hình này đang thu hút rất nhiều người mua và tạo điều kiện cho công nhân, người dân sinh sống trên địa bàn có nhà để ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, dân số tại TP.HCM hiện đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người dân nhập cư nên nhu cầu về nhà ở đang trong tình hình rất cấp bách. Trong nhiều năm tới đây, các phân khúc nhà ở với giá trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, NOXH, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn TP. có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.
Hiệp hội đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ NOXH 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m², có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu nhà ở và những điều kiện thực tiễn của địa phương, HoREA nhận định TP.HCM vẫn có thể làm khoảng 10.000 căn hộ NOXH 30m² (gồm 20m² sàn và 10m² gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
Theo phía HoREA, từ báo cáo của bộ Xây dựng, lượng vốn ngân sách bố trí cho ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu. Riêng năm 2018, ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng và đã phân bổ cho các chi nhánh địa phương, trong đó, Hà Nội và TP.HCM được nhận mức phân bổ cao nhất là 50 tỷ đồng, các địa phương khác chỉ được phân bổ khoảng 10 - 15 tỷ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng thụ hưởng NOXH.
Kiến nghị sử dụng đất công cho NOXH
Trong kiến nghị của HoREA, Hiệp hội này đã yêu cầu sở Xây dựng TP.HCM công khai danh sách các dự án đầu tư xây dựng NOXH đang triển khai trong giai đoạn 2018 - 2019 và những năm tiếp theo để phổ biến công khai việc cho vay thuê, thuê mua, mua nhà đến các đối tượng được thụ hưởng.
Trên cơ sở đó, HoREA đề xuất với TP. cần đưa vào sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên để phát triển NOXH. Đồng thời, các chủ đầu tư phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha để đầu tư phát triển NOXH theo từng chương trình cụ thể.
HoREA đề xuất trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của TP như đất nông trường (khoảng 6.000ha); đất đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất…
Hiệp hội đề nghị TP. làm việc với các tỉnh thuộc vùng đô thị TP. để phối hợp phát triển các huyện giáp ranh như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)... và chuyển các ngành sản xuất thâm dụng lao động (dệt may, da giày) về các tỉnh để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại dân cư. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải có trách nhiệm đầu tư các khu nhà lưu trú cho công nhân, lao động.
Cũng theo đề xuất của HoREA, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến NOXH, nguồn vốn hỗ trợ cho ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ; khẩn trương lập kế hoạch cụ thể vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ.
Đối với ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội đề nghị bổ sung "danh mục chi thực hiện chính sách NOXH" vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020. Chính phủ cần cấp cho các tổ chức tín dụng 3.431 tỷ đồng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018.
Theo thông tin trong báo cáo của HoREA, số liệu từ sở Xây dựng TP.HCM, viện Nghiên cứu phát triển khảo sát, có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tại TP., thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ. Tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP. thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%), chỉ riêng nhà máy may mặc của công ty PouYuen, quận Bình Tân đã có khoảng 100.000 công nhân lao động, trong đó, hơn 80% là công nhân đến từ các tỉnh, nhất là Long An. Các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học khác, các khu lưu trú công nhân do ban Quản lý Khu công nghệ cao, và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%, khoảng 70% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh. Dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, NOXH, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn TP. trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn. |